Luôn có một Việt Nam giữa lòng nước Đức

Hôm nay trong khi lướt Facebook, mình vô tình đọc được 1 comment mà bất giác nhớ về căn phòng ký túc xá ở Greifswald.

Giờ phút này, có lẽ khu KTX Makarenkostraße nơi mình đã từng ở đang được trùng tu lại. Có lẽ căn phòng mình từng ở giờ không còn nữa. Căn phòng thoáng đãng trên tầng 5, tường dán đầy tranh ảnh mình cắt ra từ sách báo và một dây đèn trắng ấm nóng dàn thành dòng chữ “veritas” trên đầu giường – minh chứng của một thời ấp ủ giấc mộng làm luật sư, một thời quyết tâm tự học tiếng Latin và không ngừng trau dồi bản thân.

Bất giác nhớ đến chiếc ghế sofa màu nâu nhạt được anh hàng xóm Farsal tặng ngay tuần đầu tiên chuyển đến, khi anh chuyển ra, chiếc ghế cũ kỹ mà mình đã nằm ườn trên đó nhiều hơn cả trên giường.

Bất giác nhớ đến những tủ giường đã bị mình xê dịch không biết bao nhiêu lần cho thuận phong thuỷ Feng Shui, và chiếc rèm cửa xập xệ luôn nhân nhượng những tia nắng cứng đầu.

Cửa sổ căn phòng ấy cũng hướng Tây, như mọi căn phòng mà mình đã từng ở từ bé đến lớn. Bất giác nhớ những chiều hoàng hôn đẹp đến nghẹt thở, những chiều tối ngồi trên giường nhìn mặt trời lặn dần và phòng tối dần, cho đến khi đèn đường sáng tỏ như mấy chùm sao trên trời. Bất giác nhớ một chiều như thế với chị bạn người Argentina tên Sole vào một ngày chớm hè, mấy đứa nấu ăn rồi ngồi tranh luận về niềm tin, nhân quả và Illuminati.

Những ngày ấy, khi ở trong căn phòng ấy, mình chẳng cảm thấy gì. Chẳng qua cũng chỉ là một điểm dừng chân trong một năm dự bị đại học. Chẳng dám sắm mấy đồ đạc mà chủ yếu là trang trí trên tường, hay mấy hôm có thời gian lại ra Umsonstladen(1) nhặt nhạnh tha lôi cái gì đó về.

Bất giác nhớ chiều cuối thu mấy chị em hí hửng đi dọc phố nhặt một bao tải dẻ ngựa(2) mà chắc mẩm đó là hạt dẻ. Về nhà luộc chúng lên ăn thử thấy đắng nghét đầu lưỡi, mấy chị em vội vàng google xem quả ấy có độc không, ăn nhầm thì bao giờ chết.

Bất giác nhớ con đường Anklamer Str. thẳng tắp và dài tưởng như vô tận, nối thẳng 4km từ nhà vào trung tâm thành phố. Con đường ấy mình đã đi mòn cả chân trong mọi loại hình thời tiết. Ngày ấy vừa sang Đức, nên việc mua chiếc vé bus 2€ quả thật là một điều xa xỉ. Vả lại, kể cả muốn đi bus, chắc gì lúc ấy đã có để mà đi. Thành phố quá bé nên phương tiện công cộng có cũng như không.

Greifswald nhỏ bé và thanh bình, an nhiên nép mình bên dòng sông Ryck chảy ra Ostsee. Ostsee, dịch ra tiếng Việt là biển Đông.

Liệu đó có phải là một sự trùng hợp khi điểm dừng chân đầu tiên tại Đức của mình lại nằm bên bờ biển cùng tên với vùng biển của quê hương xứ sở cờ đỏ sao vàng?
Liệu đó có phải là một mối duyên nợ, khi mình luôn tìm thấy bóng hình quê hương ở mỗi nơi mình sinh sống?

Những ngày tháng an yên ở Greifswald luôn gợi nhắc mình đến những ngày hè yên ả cùng gia đình bên một bờ biển miền Trung, miền Nam vào những kỳ nghỉ. Dù nước ở đây có lạnh hơn, sóng bé hơn và cát có sẫm màu hơn. Mình coi đó là một sự an ủi vụng về của biển Đông yêu

dấu, bởi vì dù sự “hoá trang” có vụng về đến đâu, mỗi khi nghe thấy tiếng sóng gợn nhẹ vào bờ cát, tim mình lại gần nhà hơn bao giờ hết.

Những ngày tháng thảnh thơi ở Greifswald đã trôi qua từ khá lâu rồi. Bây giờ mình đang có một cuộc sống bận rộn ở thành phố cảng Hamburg.

Hamburg, kỳ lạ thay, cũng có một cái hồ giữa lòng thành phố, giữa hồ có một đảo nhỏ. Để bảo rằng đó là một sự trùng hợp, thì một người Hà Nội như mình không thể hiểu được. Vì cớ gì thành phố phồn hoa nơi phương trời xa lắc này lại mang trong mình một điều quá đỗi thân thương?

Mỗi khi cuộc sống giọt cho mình một ly nước quá đầy, mình lại tìm về Alster để đi dạo và trút bớt muộn phiền. Con đường quanh hồ thiếu vắng chút khói bụi và tiếng còi xe máy bim bim vào độ tan tầm, nhưng vẫn đủ để phần nào làm nguôi ngoai đi trái tim mỏi mệt của một người con xa xứ. Nếu nhìn kỹ, người ta vẫn có thể thấy nét gì rất quen trong bóng hãng liễu rủ, hay là thấy chút tình trong quán kem bên hồ. Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt tầm thường như thế, đều có thể mang lại một thoáng bình yên rất Hà Nội.

Một vài năm nữa, có lẽ mình sẽ không còn ở Hamburg nữa. Tuy vậy có một điều mình biết chắc: Dù có chuyển đến đâu trên nước Đức, mình cũng sẽ tìm thấy một mảnh hồn quê hương trên miền đất xa lạ. Hay nói đúng hơn, quê hương sẽ sát cánh bên mình, dù cho mình có ở đâu. Bằng cách này hay cách khác, nỗi nhớ nhà sẽ giúp mình tìm thấy thông điệp mà quê hương luôn gửi gắm qua từng nhành cây, qua từng gợn sóng và qua cả những người con Việt Nam đã đi qua cuộc đời mình trên mọi nẻo đường nước Đức.

Chú thích:

(1)  Umsonstladen: là một hình thức trao đổi đồ để tái sử dụng tại Đức. Khi không còn cần đến bất kỳ vật dụng gì, người ta có thể mang chúng đến đây để người khác có thể lấy mang về. Ngược lại, khi cần vật dụng gì, người ta có thể đến đây để tìm và lấy về. Mọi giao dịch đều miễn phí. Tuy nhiên, mọi người có thể tuỳ tâm quyên góp tiền cho người trông coi cửa hàng.

 

(2)  Hạt dẻ ngựa (Kastanien) cùng giống nhưng khác hạt dẻ (Haselnuss). Hạt dẻ thì ăn được, còn dẻ ngựa thì không, vì hạt này rất cứng và có vị đắng. Nhìn bề ngoài, hai loại hạt này rất giống nhau. Ở nhiều thành phố của Đức, dẻ ngựa thường được trồng ngoài đường để tạo bóng mát.

Nguyễn Hoàng Nam Phương

SiviDuc 5 năm một chặng đường.

Picture: greifswald-marketing

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook