Điều lệ Hội

ĐIỀU LỆ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
(ngày đăng ký tại Tòa án quận Charlottenburg: 22.05.2014)

§ 1 Tên và trụ sở Hội
(1) Tên tiếng Việt: “Hội sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức”. Tên tiếng Đức: “Verband der vietnamesischen Studenten in der Bundesrepublik Deutschland e.V.” (viết tắt: VSD).
(2) Trụ sở chính: Berlin – CHLB Đức.
(3) Hội là thành viên của Hội sinh viên Việt Nam và đã đăng ký tại Tòa án quận Charlottenburg (Berlin). Số đăng ký: VR 33246 B.

 

§ 2 Mục đích và nhiệm vụ
(1) Hội sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức tập hợp các hội sinh viên và cá nhân đang cư trú tại CHLB Đức có cùng một mục đích thành lập và thúc đẩy việc giúp đỡ sinh viên. Ngoài ra, Hội cũng góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh, đoàn kết, hội nhập tốt và hướng về quê hương.
(2) Nhiệm vụ của Hội:
a) Tạo ra các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, khóa học, các sự kiện để trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm của sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức, cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập và nghiên cứu, các khóa học ngoại ngữ, tìm nhà, tìm việc cũng như trong hướng nghiệp.
b) Thực hiện các sự kiện, hội nghị, hội thảo và các diễn đàn; thành lập các nhóm làm việc; phát triển và thực hiện các dự án và nhiệm vụ, nhằm mục đích để những thanh niên và sinh viên Việt Nam làm quen với văn hóa, lịch sử, hệ thống giáo dục và luật pháp của Đức, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong hội nhập vào xã hội Đức.
c) Tổ chức và thực hiện các sự kiện thể thao, văn hóa và nghệ thuật.

 

§ 3 Tính chất công ích
(1) Hội hoạt động phi lợi nhuận, không vì mục đích kinh tế. Hội chỉ theo đuổi mục đích công ích và thiện nguyện, được quy định theo Điều § 52 Luật Tài chính của CHLB Đức.
(2) Kinh phí và tài sản của Hội chỉ được phép sử dụng cho những mục đích quy định trong Điều lệ Hội. Không một cá nhân nào được chi tiêu những khoản khác với mục đích của Hội, không được nhận thù lao mang tính đặc quyền, đặc lợi không đúng với các quy định hiện hành.
(3) Ngân quỹ của Hội chỉ được phép sử dụng cho những mục đích quy định trong Điều lệ Hội.
(4) Hội viên khi ra khỏi Hội hay khi Hội giải thể không được truy lĩnh hay đòi lại những gì đã đóng góp cho Hội.
(5) Hội viên không được nhận trợ cấp từ ngân quỹ của hiệp hội.

 

§ 4 Hội viên
(1) Hội viên của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức là những người mang quốc tịch Việt Nam và những người gốc Việt:
– đã từng học tập và làm việc tại CHLB Đức, hoặc
– đang học tập và làm việc tại CHLB Đức, hoặc
– có nguyện vọng du học tại CHLB Đức
và được kết nạp làm hội viên theo trình tự và thủ tục của Hội.
(2) Các hội sinh viên Việt Nam tại các thành phố và vùng miền trên nước Đức tán thành Điều lệ Hội đều có thể trở thành hội viên.
(3) Đơn xin kết nạp hội viên được gửi tới Ban chấp hành Hội bằng văn bản hoặc trực tuyến qua website của Hội.
(4) Ban chấp hành Hội quyết định việc kết nạp hội viên theo quy định của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức đề ra.
(5) Trong trường hợp bị từ chối kết nạp hội viên mà không nhất thiết phải nêu rõ lý do thì người đệ đơn xin kết nạp có thể làm đơn gửi tới Đại hội (hoặc Hội nghị).

 

§ 5 Hội phí
Thời hạn và mức hội phí do Ban chấp hành Hội quy định.
§ 6 Quyền và nghĩa vụ của hội viên

(1) Quyền của hội viên:
 Tự ứng cử vào Ban chấp hành Hội
 Được đề cử, bầu cử người mà mình tín nhiệm vào Ban chấp hành Hội
 Được cung cấp tất cả các thông tin về hoạt động của Hội và giám sát các hoạt động của Hội
 Đề xuất các ý kiến xây dựng và phát triển Hội; khuyến khích và tạo điều kiện tìm dự án, nguồn tài chính của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự phát triển của Hội
 Được Hội giúp đỡ trong phạm vi, quyền hạn của Hội và khi có yêu cầu
 Khi muốn rút ra khỏi Hội, hội viên làm đơn xin ra khỏi Hội và được sự chấp thuận của Ban chấp hành Hội.
(2) Nghĩa vụ của hội viên:
 Tuân thủ Điều lệ hoạt động của Hội
 Không được gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ của Hội
 Khi đại diện cho Hội làm việc với các đối tác bên ngoài, hội viên phải nghiêm túc thực hiện các điều khoản mà đối tác và Hội đã ký kết
 Đóng hội phí đầy đủ.
§ 7 Chấm dứt hội viên
(1) Tình trạng hội viên chấm dứt khi ra khỏi Hội, bị bãi miễn tư cách hoặc tử vong.
(2) Đơn xin ra khỏi Hội được gửi tới Ban chấp hành Hội trong thời hạn bốn (4) tuần.
(3) Hội viên bị bãi miễn tư cách và chấm dứt tình trạng hội viên khi vi phạm một trong các điều sau:
 Có hành vi gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các thành viên trong Hội
 Có hành vi làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hội
 Vi phạm Điều lệ Hội, đã bị nhắc nhở hai (2) lần nhưng không sửa đổi.
(4) Những trường hợp khác do Ban chấp hành Hội xem xét quyết định.

(5) Ban chấp hành Hội họp và ra quyết định khai trừ Hội viên bằng văn bản. Quy trình khai trừ ra khỏi Hội được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của Hội đồng khen thưởng và kỷ luật.
§ 8 Hội viên danh dự
Những cá nhân, tổ chức đóng góp to lớn cho phong trào phát triển của Hội có thể trở thành Hội viên danh dự của Hội.

 

 

§ 9 Quyền và nghĩa vụ của hội viên danh dự
(1) Quyền của hội viên danh dự:
 Được tạo điều kiện thuận lợi và được tham gia các hoạt động của Hội
 Được cung cấp thông tin về hoạt động của Hội có liên quan.
(2) Nghĩa vụ của hội viên danh dự:
 Tuân thủ Điều lệ hoạt động của Hội;
 Tham gia biểu quyết hoặc giải quyết các công việc của Hội khi được Hội đề nghị.

 

§ 10 Cơ cấu tổ chức của Hội
Cơ cấu tổ chức của Hội là:
 Đại hội (Hội nghị) đại biểu
 Ban chấp hành
 Các ban chuyên trách.
§ 11 Đại hội (Hội nghị) đại biểu
(1) Đại hội (Hội nghị) đại biểu Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội, gồm có:
-Ban chấp hành
-Hội viên cá nhân
-Đại diện các hội thành viên
-Các ban chuyên trách
-Hội viên danh dự.
-Các hội thành viên quyết định số lượng đại biểu tham dự Đại hội (Hội nghị).
(2) Nhiệm vụ của Đại hội (Hội nghị) đại biểu:
 Thông qua báo cáo tổng kết của Ban chấp hành Hội
 Thông qua báo cáo tài chính của Ban chấp hành Hội
 Bầu ra Ban chấp hành Hội
 Quyết định sửa đổi và bổ sung Điều lệ Hội
 Thảo luận, quyết định mục tiêu và chương trình hành động của Hội
 Bãi nhiệm hoặc bổ sung thành viên của Ban chấp hành theo yêu của Ban chấp hành.
(3) Đại hội đại biểu của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức được tổ chức ba (03) năm một lần. Hội nghị đại biểu thường kỳ được tổ chức mỗi năm một (1) lần (được gọi là Hội nghị thường niên). Ban chấp hành gửi giấy mời tham dự và chương trình Đại hội (Hội nghị) cho hội viên với thời hạn ít nhất bốn (4) tuần trước khi hội nghị diễn ra.
(4) Hội nghị đại biểu bất thường được Ban chấp hành triệu tập theo đề nghị của Ban chấp hành hoặc khi có ít nhất 1/3 hội viên đề nghị bằng văn bản có đầy đủ lý do với Ban chấp hành.
(5) Mỗi đại biểu chính thức đều có quyền biểu quyết cho các vấn đề của Đại hội (Hội nghị), ngoại trừ hội viên danh dự và khách mời.
(6) Nghị quyết của Đại hội (Hội nghị) được tiến hành theo nguyên tắc quá bán bằng hình thức giơ tay biểu quyết.
(7) Các nội dung diễn ra tại Đại hội (Hội nghị) được ghi chép lại bằng hình thức biên bản có chữ ký của Chủ tịch Đoàn và Thư ký của Đại hội (Hội nghị).

 

§ 12 Ban chấp hành
(1) Ban chấp hành Hội gồm một Chủ tịch, một Phó chủ tịch, một Thư ký, một Thủ quỹ và các Ủy viên khác. Số lượng Uỷ viên Ban chấp hành do Đại hội (Hội nghị) đại biểu quyết định, căn cứ vào nhu cầu phát triển của Hội tại thời điểm quyết định.
(2) Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký, Thủ quỹ lập thành Thường vụ Ban chấp hành theo quy định tại Điều § 26 của Luật dân sự của CHLB Đức. Thường vụ Ban chấp hành thay mặt Hội trong các vấn đề pháp lý và ký kết hợp đồng, với nguyên tắc hai (2) người đồng đại diện.
(3) Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội là ba (3) năm. Số lượng thành viên Ban chấp hành do Đại hội (Hội nghị) đại biểu quyết định và có thể được bổ sung hay bãi nhiệm.
(4) Việc bầu cử Ban chấp hành theo nguyên tắc quá bán bằng hình thức giơ tay biểu quyết.
(5) Ban chấp hành Hội bầu ra Chủ tịch Hội, Phó chủ tịch Hội, Thư ký và Thủ quỹ.
(6) Ban chấp hành chịu trách nhiệm với mọi công việc của Hội và có những nhiệm vụ sau:
 Đại diện cho Hội
 Quyết định các chương trình hành động, nhiệm vụ đối nội, đối ngoại và công tác nhân sự, tài chính của Hội theo đúng nghị quyết của Đại hội (Hội nghị)
 Triệu tập Đại hội (Hội nghị)
 Chuẩn bị các nội dung của Đại hội (Hội nghị)
 Soạn thảo các báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ
 Ký và hủy các hợp đồng giao dịch
 Tổ chức bộ máy hoạt động của Hội.

 

§ 13 Tài chính của Hội
(1) Tài chính của Hội gồm các nguồn thu sau:
 Hội phí của hội viên
 Các hoạt động gây quỹ của Hội
 Sự tài trợ bằng tiền hoặc tài sản khác của các tổ chức, cá nhân dành cho Hội
 Các nguồn thu hợp pháp khác.
(2) Các khoản chi của Hội:
 Các hoạt động của Hội
 Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội
 Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động và công tác của Hội.
(3) Nguyên tắc hoạt động tài chính của Hội:
 Hoạt động tài chính của Hội do Ban Chấp hành thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai và được Chủ tịch Hội thông qua
 Hoạt động tài chính của Hội phải được báo cáo công khai hàng năm, trước Ban Chấp hành và trước Đại hội (Hội nghị).
§ 14 Thủ tục giải thể Hội
(1) Việc giải thể hoặc từ bỏ mục đích của Hội phải do Hội nghị đại biểu bất thường quyết định và tối thiểu phải đạt được 50% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.
(2) Hội nghị đại biểu sẽ bầu Ủy ban gồm năm (5) thành viên thực hiện nhiệm vụ giải thể.
(3) Trong trường hợp Hội giải thể hay không còn các mục đích được ưu đãi thuế thì tài sản của Hội phải chuyển giao cho một Hội được ưu đãi thuế với mục đích hỗ trợ giáo dục và giúp đỡ sinh viên.

 

Điều lệ này đã được thông qua tại Đại hội đại biểu thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức ngày 18.08.2012 tại Berlin, được sửa đổi và bổ sung từ yêu cầu của Tòa án quận Charlottenburg và Sở tài chính theo Điều §71, đoạn 1, câu 4 Luật dân sự của CHLB Đức.

 

Download bản tiếng Việt Dieu le_VSD_Endversion

Download bản tiếng Đức SATZUNG_VSD_Endversion

 

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  
Follow us on Facebook