Nếu như ở Việt Nam, Tết là ngày lễ cổ truyền quan trọng được mong đợi nhất trong năm để những người con xa nhà được trở về đoàn tụ cùng bố mẹ bên mâm cơm ngày Tết thì ở Đức lại chính là những ngày Lễ giáng sinh.
(Nguồn: internet)
Thông thường, bắt đầu từ đầu tháng mười hai, mỗi nhà sẽ treo một vòng nến trang trí bằng lá thông và hoa quả khô trong đó có bốn ngọn được thắp vào bốn ngày chủ nhật của tháng mười hai. Vào những ngày này, bọn trẻ được ba mẹ chúng đưa cho một tờ giấy để viết những điều ước vào trong đó. Bọn trẻ tin rằng tờ giấy nguyện ước ấy sẽ đến tay ông già Noel và rồi vào đêm 24, ước mơ của chúng sẽ trở thành hiện thưc.
(Nguồn: internet)
Tôi đã từng rất xúc động khi đọc những lời ước của bọn trẻ: “Ông già Noel ơi, cháu ước năm nay sẽ không bị chí bám vào đầu nữa”, “Ông già Noel ơi, cháu không ước gì vĩ đại đâu. Cháu chỉ ước sao mẹ cháu chóng khỏe bênh lại thôi, cháu không muốn căn bệnh ung thư ấy sẽ lấy đi cuộc sống của mẹ cháu đâu” hay “Ông già Noel ơi, cháu ước có một cái quần mới và một bộ Lego, ông mang đến cho cháu có được không ạ?”. Ước mơ của chúng giản dị nhưng lại khiến tôi đôi ba lần thổn thức.
(Nguồn: internet)
Ngày đầu tiên của tháng 12, mỗi trẻ sẽ nhận được một cuốn lịch (Advendkalender) từ bố mẹ chúng. Những “cuốn lịch” này thường có 24 ngày và có thể mua trong siêu thị. Những ai có nhiều thời gian và có một Advendkalender đặc biệt để dành cho những người thân yêu của mình thì có thể tự tay làm. Mỗi ngày trẻ sẽ mở một cánh cửa (giống như xé một tờ lịch). Sau mỗi “cánh cửa” đó là những món quà khác nhau. Năm tôi học lớp 12, cô bạn thân người Đức đã tự tay làm cho tôi một cuốn lịch, mỗi sáng thức dậy tôi thường mở một ô, khi thì là một sợi dây chuyền, một cái kẹp tóc, một đồng xu, một thỏi sô cô la…và điều đặc biệt là mỗi ngày tôi đều nhận được một tờ giấy nho nhỏ bạn viết bằng tiếng Việt như “Chúc cậu một ngày tốt lành”, “Luôn là bạn tốt của nhau nhé” hay có lần cô nàng vì không biết tiếng Việt có nhiều ngôi thứ nên chép liền một câu “Cháu yêu bà” thay vì “Tớ yêu cậu” khiến tôi đọc xong không nhịn nổi cười. Lên lớp hỏi cô nàng học tiếng Việt ở đâu vậy, nàng tỏ ra rất bí mật và chỉ bảo: “Khi người ta yêu thương một ai đó, người ta luôn biết cách làm vui lòng họ và tạo ra những bất ngờ thú vị”.
Mùa Noel năm đó, trong một email gửi cho người bạn trai (mà bây giờ đã cũ) của mình, tôi đã viết: “Khoảng cách Việt Nam – Đức cách xa nhau nhiều quá, em không thể ở bên để cùng anh bóc lịch được. Nhưng mỗi ngày em sẽ gửi cho anh một tin nhắn, mỗi tin nhắn sẽ là những thông điệp dịu dàng, những thỏi socola ngọt ngào em dành nó cho anh. Hãy cùng nhau cố gắng anh nhé!. Đến ngày thứ 24 thì tôi nhận được điện thoại của anh từ Việt Nam và hai ngày sau là bức thiệp hình đôi bướm đuổi bắt nhau, bgửi qua đường bưu điện của anh, chỉ vẻn vẹn một dòng chữ nhưng chứa đầy hy vọng và niềm tin yêu: “Đợi anh nhé!”. Tôi đã đợi, đã trở về, đã sống và đã yêu thương nhưng những thử thách, những kiêu hãnh tuổi trẻ và có lẽ là cả một tình yêu chưa đủ lớn đã đẩy chúng tôi đi quá xa và không tìm thấy nhau trên con đường quay trở lại. Nhưng kí ức về mùa Noel năm ấy vẫn luôn khiến tôi thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ lại, dù chúng tôi đã xa nhau tự lâu lắm rồi…
Ngày 6/12 là ngày Nikolaus – tên của một nhật vật có thật ở Thổ Nhĩ Kì, sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng bố mẹ Nikolaus mất sớm và để lại cho cậu một gia tài khổng lồ. Nhưng tất cả những điều đó chẳng khiến cậu vui và cậu đã đem tất cả tài sản của mình để phân chia cho những người nghèo khó. Chính việc làm đó của cậu đã khiến người dân vô cùng yêu mến và sau này cậu được phong làm Giáo chủ. Nikolaus mất ngày 06.12 nên người ta lấy ngày này làm ngày Nikolaus. Ở Đức, vào tối ngày 05.12 bọn trẻ thường phải lấy những đôi ủng của mình ra đánh và sau đó đặt trước cửa và hy vọng tối nay ông già Nikolaus sẽ mang quà và bỏ vào chiếc giày của chúng. Những ngày còn ở nhà, dù lớn đến đâu, mẹ tôi cũng mua cho tôi một món quà nho nhỏ kèm theo một Stutenkerl (một loại bánh mỳ đặc biệt chỉ có trong ngày này), đến khi đi ở trọ, tưởng phải tạm biệt ông già Nikolaus thì bà chủ nhà đã khiến tôi vô cùng xúc động khi buổi sáng hôm đó thức dậy, mắt nhắm mắt mở đi vào phòng tắm, tôi nhìn thấy một hộp chocolate nhỏ đặt ngay trước cửa phòng mình. Hóa ra trước khi đi làm, bà đã kịp hóa thân thành Nikolaus. Những giọt nước mắt nóng hổi và một nỗi xúc động chợt trào dâng trong lòng. Tình yêu và sự quan tâm của bà trong suốt những tháng năm sau đó lúc nào cũng khiến tôi thấy mình là một người vô cùng may mắn.
Nhưng có lẽ, điều khiến tôi thích nhất mỗi khi mùa giáng sinh về đó là đi chợ Giáng sinh (Weihnachtmarkt). Chợ Giáng sinh là một kiểu chợ truyền thống bắt đầu từ thời trung cổ, có nguồn gốc từ Đức và thường bắt đầu tổ chức từ cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai. Ở Đức có rất nhiều những chợ giáng sinh nổi tiếng và cổ kính như Aachen, Augsburg, Dresden, Bautzen, Nürnberg.
Chợ Giáng sinh ở Nürnberg
Theo thống kê từ công ty tư vấn về du lịch và giải trí IFT thì năm 2012 chợ Giáng sinh ở Đức đã đón khoảng 85 triệu khách du lịch, nhiều hơn 70% so với năm 2000 và trong số đó có khoảng 2 triệu khách quốc tế. Tôi không nhớ mình đã rong ruổi cùng những người bạn Đức của mình ở bao nhiêu khu chợ suốt mười mấy mùa Noel cũ, nhưng năm nào cũng thế, chúng tôi đều hẹn nhau ra chợ uống Punch (một loại cocktail không có cồn), Gluehwein (một loại vang được hâm nóng), Eierpunch (rượu trứng) rồi đi lang thang mua những món đồ nho nhỏ và thưởng thức những món ăn truyền thống ngoài trời như khoai tây chiên, brastwurst (xúc xích nướng), hạt hạnh nhân và tận hưởng không khí nhộn nhịp của dịp lễ ý nghĩa nhất trong năm.
Ngày 24 là ngày quan trọng nhất, tôi thường ở nhà giúp mẹ nuôi dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. Những người bạn tôi theo đạo thiên chúa thì thường đến nhà thờ làm lễ rồi sau đó mới trở về nhà ăn tối. Gia đình tôi không theo đạo nên cũng không ai tới nhà thờ, bữa tối luôn được bắt đầu vào lúc 18h chiều và năm nào cũng có vịt nướng, có gà quay, rau quả, salat và tráng miệng bằng nho, bằng kem vanille với mứt dâu Tây nóng hổi. Những người anh, người chị đi học và đi làm xa cũng trở về. Cả nhà quây quần bên bữa ăn. Những khoảnh khắc đó luôn khiến tôi nhớ tới những bữa cơm giao thừa khi còn ở Việt Nam và tự hỏi, không biết đến bao giờ mình mới lại có dịp trở về và cùng bố mẹ đón một mùa Tết trọn vẹn yêu thương. Sau bữa tối, cả nhà quây quần trong phòng khách, ba mẹ thương bắt mấy chị em chúng tôi lên phòng xem tivi, các em tôi còn nhỏ nên chúng tin là một lát nữa thôi, ông già Noel sẽ mang thật nhiều quà tới cho chúng và lạ thay, buổi tối ngày hôm đó chúng ngoan một cách lạ kì. Tôi lớn nên hiểu rằng ông già Noel ấy không ai khác chính là ba, là mẹ nên chỉ tủm tỉm cười và trông các em. Ba mươi phút sau mẹ gọi mấy chị em xuống phòng khách, mỗi góc là mỗi đống quà cho từng đứa. Nhìn trong ánh mắt đứa nào cũng lấp lánh những giọt long lanh.
Ngày 25 và 26 chúng tôi thường đi thăm ông bà. Những năm gần đây thì tôi phải đi làm thêm nên quần quật cả ngày ở nhà hàng, chỉ đến thăm bà chừng một lúc, uống với bà một ly trà rồi lại khoác áo đi. Khác với ở Việt Nam, người Đức không dành thời gian đi chơi với bạn bè vào dịp Tết của họ, bởi với họ đó là ngày chỉ dành cho ba mẹ và những người thân trong gia đình. Đó là dịp duy nhất cả bố mẹ và con cái đoàn tụ với nhau, các anh chị của tôi ở xa nên thường ở lại vài ngày rồi sau đó mới trở về thành phố của họ để đón giao thừa cùng với bạn bè.
Đêm cuối cùng của năm cũ, chúng tôi gặp nhau tổ chức ăn uống rồi vui chơi, đợi đến “thời khắc lịch sử”. Bài hát Happy New Year vang lên sau những tràng pháo hoa rực sáng giữa trời đêm. Bạn bè dành tặng nhau những cái ôm ấm áp và chúc nhau một năm mới tốt lành. Tạm biệt năm cũ. Chào những ngày tháng mới yêu thương.
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet