Hội thảo hợp tác Kinh tế Việt – Đức: Cơ hội và Thách thức

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, các nghiên cứu viên và lưu học sinh Việt Nam tại Thành phố Jena, dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ và tham dự của Viện Chính sách Kinh tế – Trường Đại học Friedrich-Schiller Jena và Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức hội thảo “Hợp tác kinh tế Việt – Đức: Cơ hội và Thách thức” vào ngày 07 tháng 07 năm 2015 tại Jena. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cầu nối cho các nhà khoa học cũng như đẩy mạnh sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức.

JenaConference1(Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời và ban tổ chức)

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với hơn 40 khách mời từ một số trường Đại học nổi tiếng của Đức như: Friedrich-Schiller-Universität Jena, Westfälische Wilhelms-University Münster, Universität Duisburg-Essen, Freie Universität Berlin, Universität Würzburg, Max Planck Institute,…

Đến dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền – Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức. Phát biểu tại Hội thảo ông cho biết hiện nay Đức là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, cả về thương mại, đầu tư cũng như hợp tác về lao động và giáo dục. Hai đất nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, nhưng lịch sử hợp tác thì đã có từ trước đó. Tuy nhiên, một thực tế là dù đã 40 năm hợp tác, với tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ chưa đầy 8 tỉ USD, và đầu tư FDI của Đức vào Việt Nam chiếm chưa đầy 0,05%. “Tôi hy vọng rằng, hội thảo sẽ thảo luận và tìm ra những vấn đề còn vướng mắc giữa hai đất nước để thúc đẩy sự hợp tác trong thời gian tới” – Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền nhấn mạnh. Thay mặt Đại sứ quán ông cũng cám ơn Viện Chính sách, Trường ĐH Tổng hợp Friedrich-Schiller Jena và Ban tổ chức đã tạo ra một diễn đàn khoa học cho các nhà nghiên cứu và các bạn lưu học sinh trao đổi.

JenaConference2

(Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền phát biểu khai mạc)

Phát biểu Chào mừng hội thảo, Giáo sư Andreas Freytag – Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế – Trường Đại học Friedrich-Schiller Jena cho biết, ông rất vui mừng trước sự hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia trong chiều dài 40 năm lịch sử và hy vọng rằng, hội thảo sẽ đưa ra được nhiều giải pháp cần thiết để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự hợp tác toàn diện giữa hai đất nước.

JenaConference3

(Giáo sư Andreas Freytag phát biểu chào mừng)

Tại hội thảo, các diễn giả và khách mời đã thảo luận về những thách thức trong thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động, hợp tác giáo dục và kinh doanh giữa hai nước, cũng như giới thiệu về nền Kinh tế Việt Nam và các tiềm năng để hợp tác kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, diễn giả Đoàn Quang Huy – Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Friedrich-Schiller Jena cho biết, theo kết quả nghiên cứu của ông, sự ảnh hưởng của ASEAN đối với tăng trưởng thương mại của Việt Nam đã suy giảm rất nhiều so với cách đây 20 năm và hiện không còn đáng kể. Việt Nam cần phải tăng cường thương mại với những quốc gia phát triển hơn, giàu có hơn và có sự khác biệt về lợi thế so sánh, như Đức, Mỹ,…Các hiệp định thương mại song phương chính là chìa khóa để khởi tạo và chuyển hướng mậu dịch. “Thách thức lớn nhất giữa thương mại giữa hai quốc gia chính là rào cản thuế quan, phi thuế quan, tiêu chuẩn kỹ thuật và sự khác biệt về nhu cầu tiêu dùng. Có sự khác biệt rất lớn về nhu cầu giữ Châu Âu và Châu Á. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu thị hiếu của người dân Châu Âu và từ đó điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp” – Ông Huy nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, theo ông Huy, sở dĩ đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn rất nhỏ phần vì những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong nền kinh tế của Việt Nam như: Cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục pháp lý đầu tư phức tạp, rườm rà, thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ,..thì còn hai lý do quan trọng khác. Lý do thứ nhất, Việt Nam chưa làm tốt công tác quảng bá lợi thế đất nước cũng như trao đổi thông tin đầu tư giữa hai quốc gia. Lý do thứ hai, thế mạnh của Đức là công nghiệp nặng nên việc “chọn mặt gửi vàng” là không phải một sớm, một chiều. “So với top 10 quốc gia thâm dụng lao động trên thế giới cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có lợi thế đặc biệt về lao động khi giá lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Bangladesh, chênh lệch không đáng kể với Ấn độ và chỉ bằng 1/5 Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng biết điều đó.” – Ông Huy cho biết. “Tôi tin rằng, FTA Việt Nam – EU là chìa khóa quan trọng để giải quyết nhiều thách thức, nhưng điều quan trọng là chính bản thân các doanh nghiệp cần phải năng động hơn nữa để tiếp nhận những cơ hội mới và chính phủ hai nước cần phải xây dựng một trung tâm thông tin mở và đầy đủ hơn nữa để hỗ trợ và giới thiệu các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp của hai nước” – Ông Huy kết luận.

JenaConference4

(Các diễn giả tham gia tham luận)

Về hợp tác lao động giữa hai đất nước, bà Vũ Thị Thanh Hương – Nghiên cứu sinh trường Đại học Duisburg-Essen cho biết, thực tế hợp tác về xuất khẩu lao động giữa hai quốc gia còn rất hạn chế. Trong những năm 1980, Việt Nam đã từng gửi hơn 60.000 lao động sang Cộng hòa Dân chủ Đức, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực dệt may, xây dựng, cơ khí. Tuy nhiên, sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, hiệp định song phương về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức không còn hiệu lực và hầu hết các công nhân hợp đồng phải hồi hương. Trong suốt một thời gian dài, hợp tác lao động giữa CHLB Đức và Việt Nam gần như bị ngưng trệ, cho đến năm 2012 mới có tín hiệu phục hồi thông qua chương trình thí điểm tuyển điều dưỡng viên sang Đức làm việc. Theo đó, đã có hơn 225 điều dưỡng viên Việt Nam được tuyển chọn trong năm 2013 và 2014. Trong năm những năm tiếp theo, phía Việt Nam sẽ tiếp tục gửi điều dưỡng viên sang Đức. Sử dụng ma trận SWOT, bà Hương đã đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi tham gia thực hiện chương trình dự án này. “Chương trình này có thể giúp Đức khắc phục tình trạng thiếu điều dưỡng viên trong lĩnh vực y tế. Phía Việt Nam có thể chớp cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang một thị trường tiềm năng như Đức. Đây cũng là cơ hội tốt cho các điều dưỡng viên Việt Nam được đào tạo, nâng cao tay nghề và được làm việc với thu nhập cao ở một đất nước có nền y tế phát triển. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần có những tác động bằng chính sách để hạn chế nguy cơ “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực này” – Bà Hương phân tích.

Về hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia, Bà Đỗ Thanh Thư – Nghiên cứu sinh trường Đại học Westfälische-Wilhelms Münster nhận định Đức là một quốc gia có hệ thống giáo dục chặt chẽ, với hệ thống trường Đại học và trường nghề cùng phát triển độc lập. Một điều rất đặc biệt trong hệ thống giáo dục Đức là “bậc định hướng nghề nghiệp” ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học (tương đương 10 tuổi). Tùy thuộc vào khả năng học của bậc tiều học, trẻ em tại Đức có thể học Trung học tại các trường “Hauptschulen” hay “Realschulen” để trở thành công nhân, hoặc có thể học tại các trường “Gesamtschulen” hay “Gymnasium” để đi theo con đường nghiên cứu, học thuật. Thống kê về tình hình hợp tác giáo dục, bà Thư cho biết lực lượng lưu học sinh (LHS) Việt Nam bậc Đại học trở lên tại Đức ngày càng gia tăng, hiện có khoảng 5500 LHS Việt Nam, trong đó 03 khối ngành lớn là Luật-Kinh tế-Khoa học xã hội, Kỹ thuật-Công nghệ và Toán-Khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ cao. “Theo kết quả điều tra khảo sát của tôi, 05 lý do ảnh hưởng lớn nhất đến việc lựa chọn du học tại Đức của sinh viên Việt Nam là: Uy tín giáo dục (81.19%), bằng cấp được công nhận quốc tế (67.33%), chính sách miễn phí học phí (66.34%), chất lượng cuộc sống cao (48.51%) và chi phí sinh hoạt thấp (47.52%)” – Bà Thư cho biết.

JenaConference5

(Một góc khán giả)

Cũng trong nghiên cứu, bà Thư đã chỉ ra sự khác nhau giữa kỳ vọng về nền giáo dục Đức trước khi đi du học, và thực tế trải qua của LHS. Tuy động lực có giảm, nhưng hầu hết đều đánh giá rất cao và hài lòng với nền giáo dục Đức. Nguyên nhân của mức độ giảm này chính là những khó khăn trong học tập và cuộc sống hàng ngày tại Đức, báo cáo đặc biệt đề cập đến những khó khăn về ngôn ngữ (80.20%), phong cách học tập khác biệt (43.56%), và khó khăn liên quan đến luật pháp (23.76%). “Đức là một đất nước mà mọi thứ đều cần có lịch hẹn và luôn tuân theo pháp luật, chính vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn luật pháp cho LHS trước khi sang Đức là một việc vô cùng quan trọng mà chúng ta hiện đang thiếu sót” – Bà Thư kết luận.

Bài tham luận cuối cùng được trình bày bởi diễn giả Trần Lương Thành, thành viên của chương trình nghiên cứu Kinh tế Thị trường Xã hội thuộc quỹ Konrad Adenauer, với chủ đề áp dụng các yếu tố của mô hình kinh tế thị trường xã hội của Đức vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ông Thành cho biết, thành quả đạt được của nền kinh tế vững mạnh của Đức trong nhiều thập niên qua chủ yếu dựa vào đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 99% số công ty tại Đức, là nguồn cung cấp hơn 60% việc làm và 85% chương trình đào tạo hàng năm. Các đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp Đức là tập trung vào phát triển công nghệ và sáng chế, đồng thời chú trọng lớn đến xuất khẩu. Nước Đức chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nhưng xuất khẩu tới 10% toàn bộ hàng hóa toàn cầu. Qua so sánh, nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức cho rằng họ có môi trường để sáng tạo, có nhiều quyền tham gia vào các quyết định chung của công ty hơn các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhiều hơn vào các chương trình xã hội, chăm lo đến quyền lợi và đời sống của nhân viên hơn.

Đặc biệt, doanh nghiệp Đức có khả năng đào tạo nguồn nhân lực từ rất sớm, nhiều doanh nghiệp nhận nhân viên thực tập từ khi mới kết thúc chương trình phổ thông lớp 10. Nguồn lao động này được đào tạo trong công ty để làm việc trong nhiều năm, có thể trở thành quản lý của công ty trong tương lai. Ông Thành cho biết, mô hình này sẽ giúp cho nền kinh tế bớt lãng phí thời gian và công sức đào tạo đại trà đại học, khi một số nguồn nhân lực không bao giờ áp dụng những kiến thức đó vào lao động sản xuất. Đó cũng chính là xương sống của nền giáo dục kép của Đức (dual education system), khi học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể chọn học lên cao đằng – đại học, hoặc vừa học vừa làm tại các doanh nghiệp để có cơ hội tích lũy kiến thức thực tế và có thu nhập chính thức.

Để áp dụng mô hình kinh tế này vào Việt Nam, ông Thành cho biết phải tập trung giải quyết những vấn đề lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, như tiếp cận vốn, cạnh tranh với khối sản xuất không chính thức, vận tải, thiếu nguồn lao động có tay nghề,… Tuy nhiên, qua những khảo sát gần nhất, tỉ lệ số người Việt Nam có ý định thành lập doanh nghiệp cao hơn ở Đức, đồng thời số lượng người nhận ra cơ hội kinh doanh và có khả năng kinh doanh là không nhỏ. “Điều quan trọng nhất là phải làm sao để đánh thức được tiềm năng to lớn này” – ông Thành kết luận.

Ngoài các bài tham luận, các diễn giả cũng như khách mời còn thảo luận về rất nhiều các vấn đề khác mà hai nước đang gặp phải trong quá trình hợp tác như chảy máu chất xám, phát triển nguồn lực lao động chất lượng cao, cản trở về văn hóa kinh doanh,…“Sau 40 năm, sự hợp tác giữa hai đất nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Chúng tôi hy vọng rằng, chính phủ hai nước sẽ nỗ lực hợp tác sâu rộng hơn nữa, các doanh nghiệp của hai nước cần phải năng động hơn nữa. FTA Việt Nam – EU sẽ là chìa khóa quan trọng, mở ra cơ hội rất lớn và chúng ta không nên bỏ qua thời cơ này” – ông Đoàn Quang Huy, đại diện Ban Tổ chức kết luận.

Biên tập viên:

Đoàn Quang Huy (Friedrich-Schiller-University of Jena) – Ban Khoa học & Công nghệ Sividuc

Email: doanquanghuy86@gmail.com

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook