Nhà vật lý Việt trẻ tuổi nổi danh tại Đức và châu Âu

Nhân vật của SiviDuc tháng này là một cựu nghiên cứu sinh của trường Đại học tổng hợp Munich (LMU). Với thành tích học tập cực kỳ nổi bật trước khi đi du học, và đặc biệt là các kết quả nghiên cứu xuất sắc, anh Lưu Trần Trung sẽ chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm về quá trình xác định hướng nghiên cứu, tìm kiếm học bổng, và xuất bản ở các tạp chí khoa học uy tín. Cùng SiviDuc cảm nhận những trải nghiệm thú vị qua cuộc phỏng vấn giữa BTV Trần Tuấn Anh với anh Trung nhé.

 

  1. Thông tin cơ bản:

 

Họ tên đầy đủ: Lưu Trần Trung

Quê quán: Thái Bình

Giới tính: Nam

Quá trình đào tạo từ đại học:

+ Cử nhân tài năng ngành Vật Lý, Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội (2003-2007)

+ Cao học ngành Vật Lý, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Hàn Quốc (2008-2010)

+ Nghiên cứu sinh, Đại học tổng hợp Munich (LMU), Viện nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2010-2015)

+ Nghiên cứu sau tiến sỹ, Viện nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2015-2016)

+ Nghiên cứu sau tiến sỹ, Đại học kỹ thuật Thuỵ Sỹ (ETH Zurich), Thuỵ Sỹ (2016- hiện nay)

Lĩnh vực học tập/nghiên cứu (ngành học, lĩnh vực cụ thể): khoa học cơ bản, Vật lý, laser xung cực ngắn.

Nơi làm việc ở Việt Nam (nếu có): trợ giảng khoa Vật Lý, trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội.

Những thành tích đã đạt được:

+ Bài báo khoa học: tác giả thứ nhất của 2 bài báo trên Nature, đồng tác giả của 1 bài báo trên Science và 1 bài trên Nature (đang chỉnh sửa), tác giả chính, tác giả thứ nhất, và đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học và công bố quốc tế khác.

+ Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của ISULS 2015, các giải thưởng và fellowship của các chương trình danh tiếng: KAIST (Hàn Quốc), DAAD (Đức), Marie-Curie (EU – Châu Âu), Hamburg Univ. (Đức – từ chối), Stanford Univ. (California, Mỹ – từ chối), Ottawa Univ., Montreal, Quebec (Canada – từ chối), ETH Zurich (Thuỵ Sỹ)…

+ Được mời đi giảng bài ở nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới (America, Europe, Asia)

Địa chỉ email liên hệ: trung.luu@phys.chem.ethz.ch

 

Sividuc (1)

Gia đình nhỏ ngày tốt nghiệp

  1. Chào bạn, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân và công việc bạn đang làm không?

Xin chào Tuấn Anh, đầu tiên cho mình được gửi lời cảm ơn tới Tuấn Anh cũng như toàn thể ban phụ trách chuyên mục Nhân vật SiviDuc của Hội SVVN tại Cộng hoà liên bang Đức đã gửi lời mời. Mình rất vinh dự và rất vui vì có cơ hội được trò chuyện cùng các bạn sinh viên trong Hội cũng như cùng toàn thể mọi người.

Mình tên là Lưu Trần Trung, hiện thời đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ tại Đại học kỹ thuật Thuỵ Sỹ (ETH Zurich).

Công việc của mình là khoa học cơ bản, tập trung nghiên cứu các phương thức để kích động, quan sát, và điều khiển chuyển động của electron trong vật chất. Vì electron chuyển động rất nhanh, một chu kỳ quay của electron xung quanh hạt nhân chỉ vào cỡ atto-giây (atto-giây bằng 1/tỷ tỷ = 10-18 giây), mình cần phải có cái gì đó kích động được electron trong khoảng thời gian cực ngắn đó mới có thể nghiên cứu về electron được. Vì thế ngành của mình dùng laser xung cực ngắn (atto-giây). Những năm trước ngành của mình tập trung nghiên cứu vào chất khí, những năm gần đây xu hướng làm trên chất rắn và nhóm của mình ở Viện Max Planck (Đức) và ETH Zurich (Thuỵ Sỹ) cũng đang tham gia, mở ra và đóng góp vào xu hướng này.

 

  1. Tại sao bạn lại chọn hướng nghiên cứu này?

Khách quan mà nói thì hồi mình mới bắt đầu học cao học ở KAIST (Hàn Quốc), mình nghe cái tên laser xung cực ngắn là đã thấy thích rồi, sau đó làm cùng với giáo sư thấy những cái mình làm rất hấp dẫn, nên cũng không có thời gian xem những ngành khác nữa, cứ thế mà làm tiếp lên tiến sỹ thôi. Những ngành khác cũng rất hấp dẫn và cuốn hút, nhưng có lẽ mình chưa đủ thời gian và khả năng để theo đuổi nhiều ngành một lúc.

Sau khi tốt nghiệp tiến sỹ, một phần vì những công trình mình và mọi người làm ở viện Max Planck rất mới mẻ và hấp dẫn, một phần vì mình được các giáo sư ủng hộ tự chọn hướng nghiên cứu, nên mình mở rộng hướng nghiên cứu cũ, có bổ sung thêm những phương pháp mới, và làm việc ở phòng thí nghiệm mới (ETH Zurich, Thuỵ Sỹ). Sắp tới mình sẽ cố gắng nộp hồ sơ để có đề tài lớn hơn (đề tài mình giành được hiện giờ ngoài lương của mình ra chỉ có thêm một ít tiền thí nghiệm), khi đó mình có thể mời thêm được vài bạn sinh viên (nghiên cứu sinh tiến sỹ) và tiền nghiên cứu để hoàn toàn theo đuổi các hướng nghiên cứu mình yêu thích.

 

  1. Bạn có ý định quay trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu học tập hiện nay không?

Hơn một năm trước lúc mình mới tốt nghiệp tiến sỹ, mình cũng về Việt Nam, vừa là về chơi, vừa là tham khảo cách thức, điều kiện nghiên cứu hiện thời ở nhà. Tuy nhiên mình thấy là đến thời điểm này, việc mình về Việt Nam là chưa khả thi. Lý do là nếu mình về mình sẽ phải làm một cái hoàn toàn khác, cộng thêm việc tiền lương ở Việt Nam rất khó có thể trang trải được cuộc sống. Như vậy để mưu sinh thì bắt buộc phải làm thêm những việc khác, kết luận lại là môi trường sống sẽ phá hỏng hết những nghiên cứu cũ và khả năng mở ra những nghiên cứu mới. Trong khi đó ở bên này mình được các giáo sư giúp đỡ rất nhiều để tiếp tục nghiên cứu theo hướng mình đã chọn.

Mình cũng muốn về Việt Nam cùng xây dựng phát triển đất nước, nhưng có lẽ điều kiện bây giờ chưa cho phép. Sau này nếu có điều kiện mình cũng muốn giúp đỡ các bạn ở nhà một cách gián tiếp, như một bạn của mình là Tuấn Anh (có 2 bài Cell), hiện giờ làm Giáo sư (HKUST) và đang tuyển sinh viên Việt Nam làm nghiên cứu sinh.

 

  1. Khả năng phát triển, áp dụng của hướng nghiên cứu này như thế nào ở Việt Nam?

Rất khó để có thể bắt đầu những nghiên cứu dạng như của mình ở Việt Nam, lý do chủ yếu là do tiền đầu tư quá lớn. Vì cái mình làm là khoa học cơ bản, nên sẽ không có ứng dụng gì vào trong cuộc sống, ít nhất là trong khoảng 10, 20 năm nữa.

 

  1. Bạn có thể chia sẽ kinh nghiệm tìm kiếm học bổng của mình không?

Việc tìm kiếm học bổng, nhất là cao học và nghiên cứu sinh, theo mình chỉ có một điều quan trọng nhất là nguyện vọng của các bạn có đủ cao hay không thôi. Còn ngoài ra thì cần thêm một chút may mắn nữa.

Về trường hợp của mình, lúc nộp hồ sơ học cao học, mình cũng quyết tâm làm hồ sơ cho tốt. Đợt mình nộp hồ sơ, có nhiều bạn đại học của mình đi cùng và hiện giờ tất cả đều tốt nghiệp tiến sỹ, đang làm ở Hàn Quốc, hoặc đi EU, hoặc về Việt Nam. Lúc đó mình và các bạn mình có may mắn là trường KAIST còn chương trình học bổng. Sau này chương trình học bổng giảm dần, nên giúp đỡ về mặt tài chính của trường ít đi. Tuy nhiên, giáo dục đại học và sau đại học của Hàn Quốc khá là tốt, nên nếu các bạn tìm hiểu được thông tin về học bổng, sang Hàn Quốc không phải là một lựa chọn tồi.

Về chương trình tiến sỹ, như tất cả các bạn trong Hội SVVN ở Đức đều biết, ở Châu Âu thì làm tiến sỹ là một công việc, được trả lương và đóng thuế, bảo hiểm đầy đủ (nhìn chung). Vì thế để có thể tìm được PhD job (hợp đồng làm tiến sỹ) ở Châu Âu, bạn chỉ cần có một trình độ đạt chuẩn chung của Thạc sỹ tốt nghiệp ở Châu Âu (tuỳ từng trường) là có cơ hội xin được hợp đồng. Vậy nên quan trọng nhất là các bạn quyết tâm, cố gắng làm Thạc sỹ thật tốt là đủ khả năng rồi, sau đó chỉ cần thêm chút may mắn (ví dụ như cái phòng thí nghiệm bạn thích lại đang có vị trí trống chẳng hạn. Nếu không thì bạn phải đợi lâu hơn hoặc phải tìm phòng thí nghiệm khác thôi).

 

  1. Bạn đánh giá thế nào về môi trường làm việc và nghiên cứu ở Đức (và các quốc gia khác bạn có điều kiện nghiên cứu đó)?

Theo góc nhìn của mình, trên một phương diện rộng thì môi trường làm việc và nghiên cứu ở Đức gần như là lý tưởng. Đức hội tụ quá nhiều yếu tố để làm nên một môi trường làm việc chất lượng cao, tính hỗ trợ nhau tốt, và quan trọng là tiền làm nghiên cứu thuộc loại rất cao. Nền kinh tế của Đức quá vững chắc, là chỗ dựa tốt cho nghiên cứu, và ngược lại.

Hầu hết các quốc gia khác mà mình biết qua những dịp tham quan phòng thí nghiệm cũng như trao đổi kinh nghiệm đều thiếu một hoặc vài yếu tố để làm nên một nền nghiên cứu có chất lượng cao, ổn định và ở quy mô lớn. Ví dụ, trong khi các nước lớn trên thế giới đang vật lộn với việc cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu (Anh, Mỹ, Nhật – chỉ một số trường xịn có tiền nghiên cứu tốt, nhưng không đại diện cho số đông) thì Thủ tướng Đức vừa ký quyết định một dự án lớn, tạo thêm hàng nghìn Junior Professor. Trong Châu Âu, những nước lớn như Pháp với Ý cũng có mô hình tốt, nhưng đầu tư cho nghiên cứu (research) vẫn chưa bằng Đức (Worldbank, 2012). Những nước giàu như các nước Bắc Âu, Luxembourg, Thuỵ Sỹ thì lại quá nhỏ để có thể tạo nên ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên vì sự khác nhau giữa các nước Tây Âu là nhỏ, nên việc xác định làm việc lâu dài ở đâu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sở thích cũng như thói quen của các bạn.

 

  1. Khi trao đổi, thảo luận các vấn đề nghiên cứu với giáo sư, bạn có gặp các khó khăn gì không? (Nếu có, cách thức bạn cải thiện vấn đề đó như thế nào?)

Tuỳ từng giáo sư, thường thì các giáo sư rất cởi mở và chịu khó tiếp thu cái mới, nhưng cũng có người vì cái tôi cao quá mà không chịu lắng nghe và tiếp thu kiến thức mới. Điều đó cũng đôi khi dẫn đến xung đột cá nhân, nguyên do cũng chỉ vì không đồng ý với nhau trong thảo luận chuyên môn.

Mình luôn cố gắng tìm hiểu tính cách từng người, rồi mình lựa cách để thảo luận cho hợp lý thôi. Có lẽ người Việt Nam giỏi cái này hơn người Tây chăng? 😉

 

  1. Trong nghiên cứu của mình, các đồng nghiệp đóng vai trò như thế nào? Có bao giờ bạn gặp phải trường hợp bất đồng quan điểm trong nghiên cứu chưa?

Tuỳ từng phòng thí nghiệm, vai trò của đồng nghiệp là khác nhau. Phòng thí nghiệm cũ của mình rất coi trọng vai trò của đồng nghiệp, bao giờ thí nghiệm cũng phải làm cùng nhau và hỗ trợ nhau trong cả tính toán, mô phỏng. Vì thế mà đôi khi cũng có tranh luận, bất đồng quan điểm. Tuy nhiên đấy là điều bình thường trong cuộc sống, mình nghĩ mỗi người phải tự tìm cách xử lý của riêng mình thôi. Mình thì cũng học phương pháp ở đây: tôn trọng ý kiến người khác, nhưng cũng không hạ thấp ý kiến của mình, và tranh luận lịch sự thôi.

 

  1. Công việc của bạn có gặp nhiều cạnh tranh không? Bạn có gặp nhiều áp lực để công bố kết quả nghiên cứu không?

Rất nhiều cạnh tranh 🙂 Rất nhiều áp lực.

 

  1. Bạn có thể chia sẽ kinh nghiệm xuất bản ở các tạp chí khoa học uy tín không?

Theo góc nhìn của mình, xuất bản ở tạp chí khoa học uy tín cần 2 tiêu chí chủ yếu:

+ Khám phá thật sự cơ bản, mới, hữu ích. Cố gắng vạch ra những thí nghiệm bổ sung để tăng tính mới và hữu ích của công trình của mình.

+ Bài viết phải thật sự trau chuốt. Đối với những bài báo lớn mình và đồng nghiệp xuất bản, có khi cả một đội mấy người ngồi bàn bạc từ khung bài, từng đoạn văn, cho đến từng hình vẽ và phông chữ. Những lúc viết bài, đôi khi mình cũng nghĩ không biết là công sức bỏ ra có bõ không nữa. Cuối cùng thì mình thấy chưa phí hoài công sức một tý nào. Tất nhiên là không thể đảm bảo 100% bài viết không có lỗi, nhưng bớt được lỗi nào là tốt cái đó. Mình nhấn mạnh yếu tố này vì thường thì mình khó can thiệp vào yếu tố đầu tiên, nên cố gắng hết sức để yếu tố thứ hai không phải điểm yếu trong mắt những người xem xét đánh giá bài viết của mình. Đây cũng là những tiêu chí của mình khi đánh giá những bài viết khác.

 

  1. Công việc nghiên cứu yêu cầu một lượng kiến thức không nhỏ, bạn có thể chia sẽ cách bạn lấy các kiến thức này một cách nhanh nhất không?

Cá nhân mình chia kiến thức chủ yếu làm 2 loại: quan trọng nhưng không cấp thiết; quan trọng và cấp thiết.

+ Quan trọng nhưng không cấp thiết: mình chia nhỏ ra, mỗi ngày, mỗi tuần đọc sách cơ bản một ít. Sau một vài tuần chắc chưa khả quan lắm, nhưng sau vài tháng, mình tự tin hơn hẳn. Đọc kiểu này nhiều lúc hơi nản, nhưng sau này nhìn lại thấy vui lắm.

+ Quan trọng và cấp thiết: nếu mình không làm cái gì đó cực kỳ mới mẻ và độc đáo, thì khả năng rất lớn là kiến thức mình cần đã có sẵn trên mạng. Google giúp mình tìm thông tin rồi sau đó chọn lựa tài liệu nào tốt nhất cho nhu cầu của mình rồi đọc thôi. Còn một cách nữa tốt hơn hẳn nhưng rất khó để thực hiện: tìm một bạn nghiên cứu nào gần mình (gần phòng thí nghiệm, gần trường đại học) để nhờ bạn ấy tư vấn về vấn đề đó. Cái này phụ thuộc nhiều vào quan hệ cũng như từng trường hợp riêng.

 

  1. Bạn thường chuẩn bị những gì khi tham dự các hội thảo quốc tế mà bạn có những bài phát biểu ở đó? Cảm giác của bạn khi lần đầu đứng phát biểu trong hội thảo quốc tế như thế nào? Bạn có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên một vài bí quyết phát biểu trước các nhà khoa học quốc tế được không?

Hồi xưa lúc mình còn làm nghiên cứu sinh, có nhiều thời gian hơn nên cũng có điều kiện trau chuốt bài phát biểu của mình hơn, từng câu chữ đến từng hình ảnh minh hoạ. Bây giờ mình chủ yếu tập trung vào vấn đề chính, nội dung chính. Mình hay viết những ghi chú nho nhỏ, 1, 2 câu vào trong các slides, lúc trình chiếu mình có thể nhìn vào màn hình của mình (không phải màn chiếu) để nhớ ý chính. Bài phát biểu của mình thường khá ngắn, đi sâu vào trọng tâm.

Lần đầu phát biểu quốc tế, mình cũng run và hồi hộp lắm 🙂 May là không có ai hỏi câu nào khó quá để mình phải chết đứng 🙂

Kinh nghiệm của mình: các bạn cứ để ý là các bạn không thích những người phát biểu ở điểm nào, rồi tránh mắc những điểm đó, thế là tốt lắm rồi.

 

  1. Thời gian làm việc trung bình một ngày của bạn là bao nhiêu?

Bây giờ có gia đình thì mình cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Lúc không phải đo đạc gì thì mình làm khoảng 9 tiếng, lúc có đo đạc gì thì chắc gần 12 tiếng/ngày. Tuy hơi nhiều so với tiêu chuẩn Châu Âu, nhưng so với các bạn của mình ở châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore) thì vẫn còn thoải mái chán 😀

Sividuc (2)

Ảnh khác của gia đình trong một kỳ nghỉ

  1. Ngoài việc nghiên cứu, thời gian rảnh bạn thường hay làm gì?

Mình dành thời gian cho gia đình nhỏ với bé trai của mình. Mình cũng cố gắng gọi điện về nhà hỏi thăm bố mẹ người thân thường xuyên. Đợt này bố mẹ mình sang chơi nên cũng muốn đưa cả nhà đi tham quan vài nơi.

Sividuc (3)

Ông bà nội sang thăm gia đình ở Zurich, Thuỵ Sỹ

  1. Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất trong suốt quá trình nghiên cứu của bạn?

Ở nước ngoài thì chắc là ai cũng phải tự thân vận động thôi. Đối với mình, việc nhận ra rằng có rất nhiều người giỏi xung quanh ta và một sự thật là gần như lúc nào cũng sẽ có giải pháp cho vấn đề của mình giúp mình cố gắng và cố gắng hơn.

 

Cảm ơn anh đã hợp tác và tham gia cuộc phỏng vấn của Hội SVVN tại CHLB Đức!

Chúc anh tiếp tục có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

 

Cảm ơn Ban biên tập Nhân vật SiviDuc, mình cũng chúc Hội SVVN tại CHLB Đức luôn là một cầu nối tuyệt vời của không chỉ cộng đồng sinh viên mà cả người Việt Nam ở Châu Âu. Chúc Ban biên tập mạnh khoẻ và một mùa hè vui!!!

 

Biên tập viên: Trần Tuấn Anh

BCH Hội SV tại CHLB Đức – Liên hệ: email: contact@sividuc.org

Tham khảo về các nhà khoa học khác ở đây

http://sividuc.org/category/vietjist/tam-guong-khoa-hoc/

Nhà khoa học Việt và những bài báo trên tạp chí Nature lừng danh

 

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook