Chú ý: bài viết không dành cho những bạn thích than thở hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bài viết hoàn toàn là suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân của một người có suy nghĩ tích cực.
Nội dung:
- Bước khởi đầu cho PhD.
- PhD cần gì? Thông tin, kỹ năng, và tinh thần.
- Một chút suy nghĩ về chuyện “Ở hay về”.
Phần 1: Bước khởi đầu cho PhD
Bước khởi đầu luôn luôn rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, và với việc làm nghiên cứu sinh cũng vậy. Tìm nguồn tài chính, chọn thầy, chọn đề tài là những việc cầm phải làm thật cẩn thận.
Học bổng, tài chính
Khi nói đến du học, đặc biệt làm nghiên cứu sinh các bạn luôn mặc định phải có nguồn học bổng-sai cơ bản. Có học bổng là rất tốt, nhưng quan trọng nhất là được học và có tri thức, có bằng tiến sỹ. Vì vậy, nếu bạn không thể tìm được học bổng trong khi bạn hoàn toàn đủ khả năng tài chính thì mình nghĩ nên đầu tư đi học. Qua rồi cái thời học bổng là con đường duy nhất để du học, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, rất nhiều gia đình hoàn toàn đủ khả năng chi trả cho việc du học. Đặc biệt là ở những nước không có (hoặc rất ít) học phí như Đức. Ở Đức chi phí du học chủ yếu là tiền ăn ở, tầm 450-600EU/tháng (10-15 triệu vnd), đây là số tiền không quá lớn. Sinh viên thậm chí hoàn toàn vừa học vừa làm và chi trả toàn bộ chi phí, dĩ nhiên là có vất vả. Điều kiện tài chính là hơn 8000Euro trong tài khoản để chứng minh ban đầu. Một con số vừa phải, đáng để đầu tư, thay vì ngồi chờ đợi học bổng và để tuổi trẻ trôi qua. Mình nói tuổi trẻ bởi vì càng nhiều tuổi càng khó học tiếp, nhất là học ở nước ngoài. Một năm tuổi trẻ đáng giá hơn rất nhiều một năm tuổi già.
Học bổng có từ nhiều nguồn, ở trong nước thì có thể có tài trợ kinh phí đi du học (có ràng buộc) như ở công ty, ở huyện, ở tỉnh, ở bộ, ngành, nhà nước,vv. Quy định rõ ràng, họ đầu tư cho sinh viên đi học và sau đó làm việc cho họ. Đọc kĩ hợp đồng, nếu ưng cái bụng thì kí và vui vẻ đôi bên.
Học bổng nước ngoài cũng có nhiều nguồn. Học bổng chính phủ các nước, ví dụ Đức có DAAD, là những nguồn học bổng đều đặn hằng năm, cơ hội chia đều. Không nhiều nhưng chẳng ít nếu bạn chịu khó nộp 3-4 nước thì cơ hội khá cao. Ở châu Âu, ngoài học bổng Erasmus, khá tốt tuy cạnh tranh cao, còn rất nhiều cái nguồn học bổng khác mà chúng ta có thể khám phá ra nếu chịu khó hỏi Google. Ví dụ, hồi ở VN, mình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng từ năm thứ 4 (Bách khoa học 5 năm), cứ thấy cái nào đủ tiêu chuẩn là sẵn sàng nộp, luôn chủ động hồ sơ.
Hồi đó mình cũng liên hệ một bác giáo sư bên Mỹ, ổng ưng cái bụng, và bảo mình tốt nghiệp xong, đạt được khoảng 90 điểm Toefl ibt là ok sang luôn. Nhưng mình luôn chủ động tìm kiếm thêm nguồn học bổng. May mắn nữa là đầu năm thứ 5 tự nhiên trúng cái Erasmus dành riêng cho châu Á (tên là Erasmus Mundus Mobility with Asia (EMMA)). Hên ở chỗ, cái này dành cho mấy nước đông nam á, nên sự cạnh tranh không nhiều. Học bổng ban đầu cho 1 năm học PhD tại 1 trong 3 nước Ý, Pháp, Đức. Mình định sang Đức 1 năm du lịch trau dồi tiếng rồi về với American dream, nhưng ai dè ở luôn. Vì mình có đề tài hay và hợp với chuyên môn nên mặc dù chỉ có 1 năm học bổng mình vẫn muốn ở lại Đức. Sau này mới biết, khi đã là sinh viên bên này rồi thì có rất nhiều nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Như học bổng của trường, của bang, DAAD, hội công giáo, công ty, vv. Và mình nhận tiếp học bổng 3 năm của trường để hoàn thành đề tài về giao thông Việt Nam. Sau này biết thêm là quỹ cho PhD của trường mình còn dư cả tiền hàng năm nên việc xin hỗ trợ tài chính không khó. Nước Đức đủ giàu để đầu tư cho giáo dục.
Kinh nghiệm: Nếu mãi không xin được học bổng mà đủ tiền thì nên đầu tư đi học, càng sớm càng tốt. Riêng khi đã là sinh viên tại Đức thì có rất nhiều nguồn học bổng (như đã kể trên) bạn chỉ cần có một dự án nghiên cứu tốt, sẽ nhận được tài trợ.
Chọn giáo sư, đề tài
Việc chọn giáo sư, nhóm nghiên cứu vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm của mình là hãy chọn giáo sư có hướng nghiên cứu gần đây (xem publication) hợp với background của mình. Giáo sư ở Đức mình chia làm 2 nhóm: nhóm nội địa và nhóm international. Nhóm nội địa là những giáo sư người Đức chỉ giảng dạy tại các trường ở Đức, còn internaional là nhóm các giáo sư đã từng giảng dạy một thời gian ở nước ngoài (không phải Đức) hoặc có nhiều thời gian làm việc ở nước ngoài qua các chương trình hợp tác.
Cả hai nhóm đều làm việc rất khoa học và hiệu quả. Đời thường thì tùy tính cách từng người. Tuy nhiên có sự khác biệt về phong cách làm việc-theo như mình nhận thấy và ghi nhận từ những anh chị đi trước. Cụ thể, nhóm nội địa làm việc khá nguyên tắc và có thể đôi chút cứng nhắc, đúng tính cách người Đức. Nhóm internaional thì khá thân thiện, thoải mái, tự do hơn trong công việc.
Những giáo sư già thì thường ít active hơn giáo sư trẻ. Với giáo sư trẻ học có nhiều tâm huyết và hướng nghiên cứu nên mình cũng sẽ pải năng động, tích cực hơn. Giáo sư già (>=60) là những người sắp về hưu, bạn nên cẩn thận kẻo đứt gánh giữa đường (giáo sư ốm, hoặc học mãi chưa ra trong khi giáo sư về hưu). Ít xảy ra nhưng không pải là không thể.
Đề tài là cái vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của nghiên cứu sinh. Nếu không may mắn có sẵn đề tài từ giáo sư hoặc theo chương trình nào đó, bạn phải tự tìm thì thường mất nửa năm đến 1 năm đầu (có khi lâu hơn) để định hình rõ đề tài sẽ theo đuổi. Nên cân nhắc việc đặt ra quá nhiều mục tiêu trong 1 đề tài, thay vào đó nên đi sâu vào một lĩnh vực nhỏ. Ví dụ mình ban đầu đặt ra mục tiêu giải quyết 2 bài toán lớn. Sau này mới thấy những đề tài lớn, chung chung đã
được làm hết rồi, cuối cùng chỉ giải quyết được một trường hợp nhỏ của một bài toán. Nên trao đổi với giao sư nhiều và cụ thể nhất có thể về đề tài, hướng nghiên cứu. Nếu bạn ở trong dự án hoặc giáo sư active, có thể họ sẽ nhắc nhở tiến độ, nhưng nhiều trường hợp giáo sư sẽ chẳng có thời gian cho bạn. Vì thế hãy chủ động gặp gỡ giáo sư, nhất là giai đoạn đầu để định hình đề tài, hướng đi. Nên nhớ nghiên cứu sinh là những người pải hoàn toàn chủ động việc nghiên cứu của mình.
Kinh nghiệm: chủ động xin nhiều nguồn học bổng. Nếu đủ tiềm lực tài chính, nên đầu tư đi học nếu mãi vẫn chưa xin được học bổng. Cẩn thận việc chọn thầy, đề tài cho phù hợp với nền tảng bản thân.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Nam
Last-year PhD student at Institute of Computer Science, Heidelberg University, Germany.
http://comopt.ifi.uni-heidelberg.de/people/nguyen/index.html
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet