Người Việt trong mắt người Đức

Mấy ngày nay mình thấy chia sẻ của một bạn cựu du học sinh Đức khá hot, tuy nhiên đứng trên góc nhìn của mình và những trải nghiệm trong suốt thời gian qua ở Đức mình thấy bạn này nhìn nhận vấn đề có phần phiến diện và không chính xác. Mà đã gọi là chia sẻ cho đàn em thì cần phải đúng, vì họ là những người mới và chưa sang Đức, nhưng đã hiểu sai về nước Đức thì còn sống và học tập kiểu gì.

Chia sẻ của Trương Hoàng Hải Yến

Trước khi nói rõ hơn mình cũng nói luôn rằng ở đâu cũng có người này người kia, cũng có những thành phần cá biệt, thế nên ở đây mình đề cập đến đại đa số người Đức nhé!

 

Sống ở Đức phải nói được tiếng Đức

Sống ở đất khách, điều đầu tiên và trên hết là phải/nên nói được ngôn ngữ của họ. Người Đức nổi tiếng là chu toàn và kĩ luật, nhưng không phải ở mọi khía cạnh họ đều như vậy. Có nhiều bạn khi sang đây không dám nói tiếng Đức vì sợ nói sai họ sẽ cười nhạo, ngại tiếng Đức mình chưa tốt… chính vì thế năm tháng qua đi tiếng Đức vẫn dậm chân tại chỗ. Cái nhìn và suy nghĩ như vậy là sai! Người Đức không bao giờ cười nhạo khi bạn nói sai ngôn ngữ của họ, ngược lại họ tỏ ra phấn khích khi bạn cố gắng giao tiếp với họ bằng tiếng Đức, họ thậm chí còn cổ vũ và sẵn sàng sửa cho bạn nếu bạn nói sai hoặc tiếp lời cho bạn nếu chẳng may bạn không tìm ra từ. Đơn giản với họ người nước ngoài nói được tiếng Đức đã là tốt rồi, cần gì phải hoàn hảo. Các bạn cũng đừng đặt nặng quá vấn đề bằng cấp. Có bạn khoe rằng mình bằng B2, mình bằng C1, C2… để làm gì? Người Đức họ không nhìn vào tấm bằng bạn cầm trên tay, họ nhìn vào chính những gì bạn thể hiện. Trước khi tiếp xúc với bạn họ cũng chẳng hỏi: ,bạn có bằng tiếng Đức loại gì?‘ rồi mới suy ngẫm xem có chơi với bạn hay ko. Chẳng có tấm bằng hay trường học nào có thể giúp bạn nói tốt một ngôn ngữ nếu như bản thân bạn không tự cố gắng hòa nhập và rèn luyện thêm khả năng tiếng Đức cho mình.

Câu chuyện của Yến

Mình sang Đức năm 13 tuổi, cái lứa tuổi rất ẫm ương. Một tuần sau khi bước chân sang Đức mình phải thực hiện nghĩa vụ đi học. Vâng, là đi học! Mình bị ,quăng‘ vào một môi trường hoàn toàn khác, ở đó mình là người Việt Nam duy nhất – rất nổi trội! Một chữ tiếng Đức bẻ đôi mình không biết, họ nói mình không hiểu và mình nói dĩ nhiên họ cũng chẳng hiểu gì :v Mình không bao giờ quên cái ngày đầu tiên đi học ấy. Khi mình vừa bước chân vào trường, cô hiệu trưởng niềm nở chạy ra đón mình rồi đưa mình đến lớp. Các bạn trong lớp vây quanh và nói chuyện với mình – nhưng nói gì thì chỉ các bạn hiểu, trời hiểu, đất hiểu, mình không hiểu :v Dù rằng chẳng nói chuyện được với nhau nhưng tuyệt nhiên các bạn không bao giờ để mình một mình, giờ ra chơi, giờ ngoại khóa các bạn đều nắm tay dắt mình đi. Các bạn bắt đầu dạy mình bảng chữ cái, những thứ xung quanh… cứ thế ngày qua ngày mình nói được tiếng Đức lúc nào không hay mà chẳng cần mở đến quyển từ điển để học từ vựng. Bởi vậy theo mình bằng cấp không là bước đệm để bạn bật lên trong cuộc sống, nó chỉ là yếu tố đầu tiên giúp bạn hoàn thanh ước mơ du học Đức.

Bạn nhận ra điều gì ở câu chuyện của mình? Đó là người Đức không hề xa cách và khó gần như các bạn vẫn thường truyền tai nhau. Họ cũng không phân biệt chủng tộc hay phân biệt tầng lớp. Hãy cứ nhìn vào cách người Đức dang tay đón chào người tị nạn lúc ban đầu bạn sẽ thấy điều đó rõ rệt – chẳng qua người tị nạn ngày càng loạn nên người Đức mới quay lưng lại với họ mà thôi. Ở Đức khi ra đường khó mà biết được ai giàu, ai nghèo, họ không khoe khoang cũng chẳng thể hiện ra vì thế càng không có chuyện chọn bạn cùng tầng lớp mà chơi. Ở trường ĐH của mình, trong nhóm Seminar của mình luôn, một anh công tử nhà giàu, bố có chuỗi công ty ở Mỹ vẫn kết thân với một anh bạn có bố mẹ là người hưởng trợ cấp xã hội. Nếu không có buổi làm quen giới thiệu đầu năm thì mình chẳng biết đến chuyện này.

 

Người Đức có yêu quý người Việt hay không?

Trong suốt quãng thời gian đi học ở Đức – không quá dài nhưng cũng không quá ngắn, điều mình nhận ra là người Đức thật sự rất kính nể người Việt Nam. Họ cũng không ngại dành lời khen tặng và nói thẳng với mình. Trong mắt họ người Việt Nam chúng ta học rất giỏi. Học sinh người/gốc Việt chúng ta có số đầu vào trường chuyên nhiều nhất (trong số các người nước ngoài ở Đức). Không ít lần báo chí Đức chẳng ngại tốn giấy bút mà viết bài khen ngợi người Việt của chúng ta còn gì. Những học sinh, sinh viên Đức rất thích chơi chung với người Việt Nam, vì người Việt Nam dễ gần, tình tình lại đơn giản, dễ chơi, chịu chia sẻ. Không khó để bắt gặp một nhóm bạn người Đức ngồi chung với người Việt Nam, nhưng cực khó để bắt gặp sinh viên Đức chơi chung với người Trung Quốc, vì với họ người TQ quá nguy hiểm và ích kỉ, chẳng bao giờ chia sẻ kiến thức với họ. Người Đức luôn đánh giá cao người Việt Nam về học vấn – chỉ có những người Việt thiếu hiểu biết mới tự dìm những người Việt ở Đức mà thôi.

Trong mắt họ, người Việt Nam cũng rất chăm chỉ, đa số đều rất chịu khó làm ăn. Họ rất cảm phục sức bền bĩ của người Việt mình. Thế hệ ông bà, cô chú sang từ thời lao động chủ yếu là làm quán ăn, làm Nails, bán quần áo… vì thời đó chủ yếu lao động kiếm tiền chứ làm gì có cơ hội học chữ. Nhưng mình chưa bao giờ nghe thấy một câu mỉa mai nào của người Đức rằng ,người Việt ở Đức chỉ làm những công việc ,thấp hèn‘, lau chùi Toilet, rửa bát, làm quán ăn…‘, ngược lại khi biết mình là người Việt Nam, họ chỉ hay nói vui rằng ,đừng bảo với mình là bố mẹ bạn có một quán ăn nhé!‘, kèm theo sau đó luôn là câu nói ,mình thích đồ ăn châu Á của các bạn lắm, rất ngon‘. Với họ dù công việc nào đi nữa, chỉ cần là lao động chân chính đều đáng quý và đáng được khen ngợi.

Bố mẹ mình có một Imbiss nhỏ, đủ sống qua ngày. Không là gì so với nhiều người Việt ở Đức nhưng cũng có cái để kiếm thu nhập. Như hầu hết các cửa hàng ăn của người Việt Nam ở Đức, bố mẹ mình cũng phải làm việc mười mấy tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, lấy công làm lãi. Khách đến quán nhà mình lúc nào cũng thấy bố mẹ mình làm, họ chỉ cười và bảo rằng: ,các bạn thật chăm chỉ và làm việc nhiều quá. Hãy dành thời gian cho bản thân mình để đi nghỉ mát.‘ Có lần bố mẹ mình đóng cửa cả tháng để về VN chơi, mình mới hỏi khách rằng: ,bọn tôi đóng cửa lâu thế liệu các bạn có quay lại với bọn tôi ko?‘ thì khách hàng trả lời mình rằng: ,chúng ta đều là con người, đều cần được nghỉ ngơi. Làm việc nhiều quá không tốt. Các bạn cứ yên tâm mà đi chơi thật vui. Chỉ cần các bạn luôn làm tốt, nấu ăn ngon bọn tôi nhất định sẽ quay lại‘. Và họ quay lại thật, họ còn chẳng ngại khen khéo rằng: ,tôi nhớ các bạn quá, thèm đồ ăn của bạn chết đi được. Nhiều hôm đi ngang sang cửa hàng phải chạy đến cửa dòm một cái và tưởng tượng là các bạn đang ở trong đấy.‘ Vì thế bố mẹ mình cũng yên tâm mà đóng cửa đi chơi. Thậm chí có khi khách đến mua hàng còn hỏi rằng khi nào sẽ là kì nghỉ tiếp theo của gia đình và nghỉ bao lâu. Vậy đó, nếu họ xem thường cái nghề bạn đang làm liệu họ có yêu mến bạn như vậy không?

Có lần mình đưa mẹ đi gia hạn, bác trên Sở Ngoại Kiều (SNK) than thở với rằng: , giá như những người nhập cư nước khác đều như người VN các bạn thì tốt, chịu khó làm ăn, không là gánh nặng của Đức. Người Nga sang đây rất nhiều nhưng toàn ở nhà ăn trợ cấp. Người Thổ Nhĩ Kì thì đẻ quá nhiều…“

Vậy những người đang mỉa mai người Việt Nam ở Đức hãy nhìn lại xem, các bạn có dễ dàng tìm được hàng quán nào của Nga, của Ý, của Pháp… ở Đức dễ như tìm hàng quán của Việt Nam không? Thay vì cứ suốt ngày ngồi dè biểu người Việt Nam tham lam, ham làm kiếm tiền để phục vụ bản thân rồi kêu ca than khổ thì hãy nhìn vào sự nổ lực của người Việt chúng ta so với bạn bè nước khác để công nhận rằng người Việt Nam mình không phải là sâu mọt ở đất khách.

Bài chia sẻ của bạn cựu du học sinh: Trong mắt người Đức, người Việt chỉ là người lau nhà quét dọn và tìm mọi thủ đoạn để ở lại http://forum.sividuc.org/threads/167/

P/s: riêng chuyện thuế bậc 4 là dành cho người độc thân thì mình thấy sự hiểu biết của tác giả rồi… ngàn chấm! Thuế bậc 4 là dành cho vợ chồng có kết hôn, thu nhập bằng nhau. Còn thuế cho người độc thân vui tính là bậc 1. Vái thánh!!!

Tác giả bài viết: Trương Hoàng Hải Yến

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: si*********@gm***.com

Spread the love

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Chia sẻ kinh nghiệmDu học Đức
Follow us on Facebook