Chú ý: bài viết không dành cho những bạn thích than thở hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bài viết hoàn toàn là suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân của một người có suy nghĩ tích cực.
Nội dung:
- Bước khởi đầu cho PhD.
- PhD cần gì? Thông tin, kỹ năng, và tinh thần.
- Một chút suy nghĩ về chuyện “Ở hay về”.
Phần 2: PhD cần gì? Thông tin, kỹ năng, và tinh thần
Mình vừa nộp luận văn sau hơn 4 năm nghiên cứu sinh tại trường đại học Heidelberg, ngành công nghệ thông tin (Computer Science) lĩnh vực quy hoạch giao thông. Một số kinh nghiệm mình đã trải qua, xin chia sẻ cùng các bạn chuẩn bị học PhD hoặc đang trong giai đoạn đầu (năm 1, năm 2). Kinh nghiệm của mình chỉ mang tính tham khảo, tùy vào mỗi người và mỗi trường, mỗi hoàn cảnh, các bạn sẽ có những trải nghiệm có thể khác đôi chút. Mình chia sẻ 3 thứ quan trọng mà sinh viên PhD cần có: thông tin, kỹ năng, và tinh thần.
Thông tin:
Khi chưa sang Đức thì phần lớn thông tin mình thu nhận đều là từ Internet, DAAD, Google, hoặc là vào website của từng trường có ngành mình thích, vào khoa, vào nhóm nghiên cứu, tìm hiểu giáo sư. Nếu chịu khó thì cũng khá là nhiều thông tin. Khi bạn đã là sinh viên của trường, thì có rất nhiều nguồn thông tin. Ví dụ, trường mình có nhiều email list như, masterlist, PhDlist, informatik list. Những list này có email của từng đối tượng sinh viên, khi có thông tin, họ sẽ gửi email. Có những list mình phải đăng kí vào, những list này sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin. Hiện tại mình thường xuyên nhận đc thông tin từ rất nhiều nguồn. 1. Trường hay gửi bản online của báo trường để biết những sự kiện của trường, thường 1 tháng 1 lần (cho tất cả sinh viên). 2. Khoa hay gửi thông tin về những sách mới của thư viện, hoặc seminar hoặc thông tin các giáo sư khách mời tới khoa giảng bài, etc. 3. Graduate School, mình nhận học bổng của graduate school – một tổ chức của trường, và đây là nơi mà mình nhận được rất nhiều thông tin về các hoạt động (bắt buộc hoặc tùy chọn) cho sinh viên PhD. 4. Master&PhD list: đây là nguồn cung cấp thông tin về các học bổng, các vị trí PhD, postdoc, master, sinh viên trao đổi, các cuộc thi, vv. Nhiều ko kể hết. Cái này do mình vào trang của trường bắt gặp list này và đăng kí nhận tin.
Kinh nghiệm: thời gian đầu, chịu khó đọc các thông tin cần thiết cho sinh viên mới của trường mình để thiết lập mạng lưới thông tin, ví dụ các mail list. Các trường ở Đức có hệ thống thông tin rất tốt, có nhiều phòng chức năng rất hữu dụng, chẳng qua mình ko biết mà thôi.
Kỹ năng:
Sinh viên học xong đại học hặc master ở VN và sang Đức làm nghiên cứu sinh “thường” bị thiếu hụt nhiều kỹ năng quan trọng so với sinh viên Đức. Hệ thống giáo dục Đức từ nhỏ đã đề cao sự tự lập, vì thế sinh viên Đức càng học lên cao càng phát huy hết khả năng của mình. Điều này hơi ngược lại với chúng ta, khi càng học lên cao, nhất là bậc đại học hoặc hơn, sinh viên nặng về đối phó và dập khuôn, kém linh động. Điều này phần nhiều năm ở lý do khách quan. Hệ thống giáo dục lạc hậu, máy móc ở Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên thiếu kỹ năng. Chúng ta nên biết, nên bình tĩnh tìm cách khắc phục. Thay vì chờ đợi thay đổi hệ thống giáo dục, kêu ca, than thở, đổ lỗi lẫn nhau, chúng ta có thể tự trang bị kỹ năng cho mình. Trường học lớn nhất chính là bản thân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta kém, thì trước hết lỗi là bản thân mỗi người. Đừng than vãn cho hệ thống giáo dục.
Kỹ năng làm việc mình thấy quan trọng nhất là thuyết trình-sự kết hợp giữa khả năng trình bày và bố cục bài. Ngôn ngữ, sự tự tin, thoải mái là điều mà chúng ta yếu hơn so với các bạn Đức. (So với một số nước châu Á thì mình không tệ, nhưng hãy noi gương các bạn Đức). Để cải thiện kỹ năng này, hãy giao lưu nhiều hơn, điều này sẽ làm mình hoạt ngôn và tự tin hơn rất nhiều. Có nhiều sinh viên mình rất hạn chế giao lưu. Giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn vì mình ngôn ngữ kém hơn, văn hóa mình khác, nhưng hãy cố gắng, qua giai đoạn đầu các bạn sẽ thấy mọi việc rất dễ dàng. Hãy tham gia câu lạc bộ nào đấy ở trường để mình có lịch sinh hoạt thường xuyên. Mình chơi cầu lông tuần 2 buổi, bơi 1 buổi.
Viết lách khoa học luôn là một công việc rất stress, đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác, và tốn thời gian. Trường mình có rất nhiều khóa học kỹ năng cho sinh viên PhD như Scientific Writing, How to publish your paper, project manage, vv. Mỗi khóa chỉ 2-3 ngày. Những khóa học này rất cần thiết, vì thế mình tham gia 4 khóa, và thấy khá hiệu quả. Mình tin rằng ở hầu hết các trường đều có. Nên đọc những paper của giáo sư để hiểu cách viết của giáo sư. Nếu các bạn search trên google cũng có nhiều tài liệu về Scientific writing. Ngành của mình phải dùng LaTex để viết bài, đây là công cụ tuyệt vời để viết bài khoa học. Mặc dù hơi khó học ban đầu vì nhiều lệnh, nhưng người Đức rất giỏi về TeX. Nếu nhóm bạn cũng dùng TeX thì bạn cũng pải học và giỏi dùng TeX. Nên luyệt viết càng sớm càng tốt bằng cách viết proposal, short article, đọc nhiều bài báo càng nhiều càng tốt, note lại những cấu trúc hay của những bài báo chất lượng.
Kinh nghiệm: Thuyết trình là kỹ năng rất quan trọng, để cải thiện, hãy giao lưu với sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Đức, học hỏi từ họ. Hãy luyện tập viết khoa học ngay từ những năm đầu. Học hỏi từ những bài báo, từ giáo sư và các bạn cùng nhóm. Đừng ngại hỏi khi mình không biết. LaTeX là một công cụ tốt để viết các bài báo, luân văn khoa học.
Tinh thần:
Quá trình làm nghiên cứu sinh lúc thăng lúc trầm, ban đầu khi áp lực chưa lớn thì có thể tương đối thoải mái, nhưng càng về sau, áp lực về kết quả, báo cáo, hội nghị, tài chính càng tăng lên và bạn cần phải có một tinh thần tốt. Cách của mình là TẬP SUY NGHĨ TÍCH CỰC trong mọi
tình huống. Khó khăn là đương nhiên đối với mọi nghiên cứu sinh, vì thế hãy bình tĩnh đón nhận và vượt qua. Hãy tạo cho mình những niềm vui trong sinh hoạt hằng ngày, điều này nhiều khi bị các nghiên cứu sinh đánh giá thấp, nhưng mình thấy nó rất quan trọng. Chơi thể thao, ca hát, tụ tập bạn bè (tất nhiên không quá nhiều) là những cách tốt. Hãy chịu khó ra ngoài trời, thay vì chỉ ngồi trong nhà.
Nếu trong 3 mức học, bachelor, master, PhD, thì thường nghiên cứu sinh (phần nhiều học đại học ở VN) là những người lớn tuổi hơn và không giỏi khả năng ngoại ngữ bằng hai đối tượng còn lại. Chính vì thế một số (cũng khá nhiều) trường hợp nghiên cứu sinh hay co mình và ít hòa nhập, thường họ chỉ làm việc, nói chuyện với gia đình, tụ tập ăn uống, và lại làm việc. Điều này vô tình cản trở bạn học những điều mới đặc biệt là ngoại ngữ. Đừng nghĩ rằng thỉnh thoảng tham gia vài hoặt động của khoa, trường, thành phố đã là hòa nhập, hãy tìm cho mình một lịch sinh hoạt với các bạn bản xứ hoặc sinh viên quốc tế hằng tuần. Những việc sinh hoạt thế này ngoài việc học hỏi thêm từ các bạn khác, còn giữ cho tinh thần chúng ta thoải mái và tạo sự tự tin nhất định.
Kinh nghiệm: Sức mạnh nằm ở tinh thần, hãy tập suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề, và hãy bình tĩnh sống. Tham gia một câu lạc bộ nào đó ở trường là một điều rất tốt và nên làm.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Nam
Last-year PhD student at Institute of Computer Science, Heidelberg University, Germany.
http://comopt.ifi.uni-heidelberg.de/people/nguyen/index.html
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet