Nhân vật thứ ba trong năm 2016 mà Hội SVVN tại CHLB Đức muốn giới thiệu đó là anh Trịnh Ngọc Tuấn – hiện làm việc cho Siemens AG đóng tại thành phố Erlangen, Deutschland.
Trịnh Ngọc Tuấn – chuyên gia ngành Hệ thống điện của Tập đoàn Siemens
Lời giới thiệu:
Sau những ngày tháng học hành, thi cư vất vả ở nước ngoài, bạn rất háo hức tìm một công việc mình yêu thích để rồi trút toàn bộ năng lượng và hiểu biết của mình vào nó. Nhưng giữa bạn và công việc tương lai ấy luôn có sự xuất hiện của các nhà tuyển dụng – những người chẳng khác nào các Sphinx (Nhân sư) thời cổ đại. Trải qua hàng ngàn năm, các Sphinx ngày nay khá lịch thiệp và dễ thương; nhưng tận sâu bên trong, họ không hề thay đổi mà dường như ngày càng trở nên khắt khe hơn. Chừng nào các Sphinx còn chưa hài lòng với những câu trả lời, bạn không bao giờ bước qua được cánh cửa nơi phòng làm việc. Hơn nữa, các Sphinx luôn đi thành bầy, còn bạn thì – chắc chắn rồi – lúc nào cũng chỉ đơn độc có một mình. Nhưng đừng để những điều như vậy khiến bạn lo lắng quá nhiều! Trong chuyên mục Nhân vật của SiviDuc kỳ này, mời bạn đi cùng chúng tôi đến gặp anh Trịnh Ngọc Tuấn – chuyên gia ngành Hệ thống điện của Tập đoàn Siemens tại thành phố Erlangen, Deutschland.
Trước hết, bạn sẽ cần biết điều này: Nếu bạn nói rằng muốn vào làm việc tại các công ty danh tiếng, có rất ít khả năng anh ấy sẽ đợi bạn bên cửa sổ với một sợi dây đã được thả xuống hay tiết lộ cho bạn biết một câu thần chú đáng tin cậy học được từ trường Hogwarts. Nhưng để bù lại, anh ấy sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm khiến những Sphinx khó tính nhất cũng phải gật gù và rồi mỉm cười hài lòng.
Nghe cũng khá ổn phải không? Bạn nhớ viết thiệp cảm ơn và đừng uống quá nhiều khi đến dự buổi tiệc chào mừng nhân viên mới nhé!
- Thông tin cơ bản:
– Họ tên: Trịnh Ngọc Tuấn, SN1980 (Nghệ An)
– Quá trình đào tạo:
- 1998-2003: Hệ thống điện/ Khoa Điện/ ĐH Bách Khoa Hà Nội
- 2005-2008: Master in Power System Engineering/ RWTH AAchen
- 2012-2016: PhD in Power System Engineering/ Uni Duisburg-Essen
– Lĩnh vực học tập/ nghiên cứu:
- Hệ thống phát dẫn điện cao áp: Bao gồm quá trình phát điện từ nhà máy điện, qua hệ thống truyền tải điện cao áp đến các hộ tiêu thụ điện.
Lĩnh vực chuyên sâu: Phân tích hiện trạng, tư vấn giải pháp nâng cao ổn định hệ thống điện, tư vấn mở rộng quy hoạch phát triển hệ thống điện, các giải pháp đưa năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện chạy bằng năng lượng hóa thạch,…
– Nơi làm việc ở Việt Nam: Ban quản lý các công trình điện miền Bắc (2 năm)
– Những thành tích đã đạt được:
- Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa trong top 10 toàn khóa 1998-2003
- Giải 3 Olympics cơ lý thuyết toàn quốc năm 2000
– Địa chỉ email liên hệ:
ng********@si*****.com
- Phần phỏng vấn:
Rất vui được tiếp đón anh đến với chương trình nhân vật của SiviDuc. Trước hết, anh có thể giới thiệu một chút về những công việc anh đang làm hiện nay không?
Tôi làm việc trong nhóm ổn định hệ thống điện thuộc Công ty Tư vấn giải pháp hệ thống điện của Siemens AG đóng tại thành phố Erlangen (Power Technology International (PTI)). Lĩnh vực ổn định hệ thống điện là một lĩnh rất chuyên sâu trong hệ thống điện, liên quan đến hầu hết các thiết bị quan trọng của hệ thống điện. Công việc này đòi hỏi người kỹ sư có một hiểu biết tương đối rộng về nhiều loại thiết bị khác nhau, để có thể mô hình hóa, phân tích rồi đưa ra giải pháp thiết kế, điều khiển sao cho chúng phối hợp làm việc ổn định và tối ưu.
Hiện tôi đang tham gia dự án phát triển hệ thống điều khiển của hệ thống truyền tải điện một chiều công nghệ mới nhất của Siemens: HVDC plus. Giải pháp công nghệ này giúp làm tăng khả năng điều khiển dòng công suất trong hệ thống điện, tăng ổn định điện áp, tần số. Ngoài ra, công nghệ này cho phép kết nối hiệu quả các nhà máy điện gió và điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia.
Anh cảm thấy sự liên hệ giữa công việc và tính cách của mình như thế nào, có mật thiết không?
Có thể nói là tôi đã may mắn chọn được nghề nghiệp phù hợp với tính cách của mình: Nghề kỹ sư tính toán hệ thống điện cần sự tỉ mỉ và một chút kiên nhẫn.
Anh thích nhất những điều gì ở lĩnh vực làm việc của mình, chúng có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Công ty tôi cung cấp sản phẩm và giải pháp công nghệ cho nên điều tôi thấy thích nhất là có thể chuyển hóa nhanh các thành quả nghiên cứu (kiến thức sách vở) và đưa chúng vào thực tế cuộc sống.
Làm việc trong một công ty lớn của Đức như Siemens, anh có cảm thấy có nhiều sự khác biệt về văn hóa cần phải thích nghi không? Cả các đồng nghiệp cũng vậy, hòa nhập với họ có phải việc dễ dàng không, anh đã làm như thế nào để giao tiếp hiệu quả?
Có chứ, có quá nhiều là đằng khác. Để liệt kê hết chúng ra cũng có thể mất cả ngày. Chính vì thế mà theo tôi nghĩ, việc hòa nhập/thích nghi với cuộc sống học hành, nghiên cứu, và làm việc ở đây là thách thức lớn nhất với du học sinh Việt Nam. Anh thích nghi đến đâu anh thành công đến đó! Muốn thích nghi tốt, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải nói được hiểu được ngôn ngữ bản xứ: Tiếng Đức. Cái này chắc ai cũng biết. Nhưng sau 10 năm sống và làm việc ở Đức, tôi muốn một lần nữa khẳng định lại điều này với bạn.
Nghiên cứu của anh sẽ làm thay đổi cuộc sống như thế nào? Và kế hoặc tương lai cho công việc của anh là gì?
Câu này trả lời dễ: Tôi không biết, vì nó quá tầm của tôi! Tôi nghĩ đơn giản về công việc của mình thế này: Công việc của tôi góp phần xây dựng một hệ thống điện khỏe mạnh hiệu quả cho khách hàng, đảm bảo lợi ích kinh tế, phục vụ dân sinh và giảm tác hại đến môi trường sống.
Anh hình dung lĩnh vực của anh sẽ như thế nào ở Đức/Việt Nam sau 20 năm nữa?
Ngành điện là ngành xương sống của nền kinh tế thế giới, nên nó luôn phải cải tiến công nghệ và đi trước các ngành kinh tế khác một bước. Với yêu cầu giảm tác hại đến môi trường sống đã và đang được đặt ra, ngành điện đang được phát triển theo hướng: sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) cũng như các sản phẩm công nghệ để tăng hiệu suất chuyển hóa năng lượng (từ năng lượng than, gió, mặt trời sang điện năng), giảm tổn thất điện năng trong khâu truyền tải (sử dụng nhiều hơn các hệ thống truyền tải điện siêu cao áp một chiều), tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng (hệ thống điện thông minh, hệ thống điện phân tán),…
Anh có thể kể về những bước anh đã thực hiện kể từ khi tìm việc đến khi được nhận không? Theo quan điểm của anh, các bạn sinh viên nên tìm việc trước khi tốt nghiệp bao lâu?
Hãy nghĩ về việc đó ngay từ khi bạn bắt đầu đặt chân đến nước Đức. Càng sớm càng tốt. Và coi đó là một trong những mục tiêu cao nhất để phấn đấu. Sau đó, tự khắc bạn sẽ biết mình phải làm gì trong khả năng của bạn, với những cơ hội bạn có. Nếu không có cơ hội, thì tự tạo ra nó. Nếu bạn không tự nghĩ ra, bạn (nếu có) của bạn sẽ cho bạn biết điều đó.
Các nhà tuyển dụng ngày nay thường yêu cầu rất nhiều điều từ các ứng viên xa hơn cả kiến thức và thậm chí kinh nghiệm. Chính xác những điều đó là gì vậy thưa anh?
Cái họ đòi hỏi cao nhất chính là khả năng thích nghi của bạn trong môi trường sống, và làm việc ở Đức của bạn. Khả năng thích nghi bao gồm khả năng giao tiếp (để tiếp cận thông tin, con người,…), khả năng tạo động lực bản thân (để duy trì ý trí phấn đấu) và khả năng cân bằng (giữa công việc và gia đình, giữa văn hóa Việt trong môi trường nước Đức..).
Theo anh, cách tốt nhất để thể hiện mình trong một buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng là gì?
Thực lòng, tôi không có kinh nghiệm nào cả vì tôi được nhận vào công ty sau khi tôi hoàn thành luận văn tại chính công ty này.
Theo tôi, trong cuộc phỏng vấn bạn phải thể hiện được rằng khả năng của bạn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của công việc; bạn cần hiểu được được mạnh điểm yếu của mình, đồng thời bạn đã và đang làm gì để phát huy điểm mạnh hoặc khắc phục điểm yếu.
Trước đây, trong quá trình học tập/nghiên cứu của mình, khó khăn nhất là gì và anh đã vượt qua nó như thế nào?
Khó khăn và thách thức lớn nhất trong quá trình học tập ở Đức là tiếng Đức. Một số khó khăn khác có thể nẩy sinh do người Việt mình còn thiếu khả năng làm việc nhóm và thường suy nghĩ theo hướng phức tạp hóa, thiếu liên hệ thực tế.
Để vượt qua điều đó, tôi đã kiên trì làm 3 việc: học tiếng (Anh + Đức), kết bạn với sinh viên Đức, và cố gắng mỗi buổi học trên lớp hỏi giáo sư ít nhất hai câu hỏi về nội dung bài giảng.
Công việc của anh bây giờ có giống như những gì anh tưởng tượng khi còn đi học không? Có bao nhiêu phần trăm giống nhau giữa những gì anh được đào tạo và những gì anh đang làm ở hiện tại?
Về vấn đề này tôi khá may mắn vì tôi đang làm công việc mà mình được đào tạo, và yêu thích từ thời sinh viên.
Nếu các ứng viên không thành công với một công ty nào đấy (không nhận được lời mời làm việc) thì họ nên làm gì để tăng khả năng thành công với các công ty tiếp theo theo quan điểm của cá nhân anh?
Theo tôi, sau mỗi lần không thành công, bạn phải xác định lại bạn muốn gì. Để đạt được điều đó bạn đã có những gì, và còn thiếu những cái gì. Nếu bạn không biết mình như thế nào, bạn của bạn có thể nói cho bạn biết. Sau đó bạn phải có kế hoạch để bù vào các thiếu hụt đó.
Anh có thể chia sẻ những yếu tố nào giúp giành được công việc mà mình mơ ước?
Bạn nên có ước mơ và theo đuổi nó. Tuy nhiên để biến mơ thành sự thật bạn phải thực tế: Nghĩa là bạn cứ làm tốt công việc hiện tại, sự tự tin của bạn sẽ tăng, giảm áp lực từ cuộc sống mưu sinh. Khi đó phần lớn các ràng buộc trong cuộc sống mưu sinh được thỏa mãn, bạn sẽ có nhiều tự do hơn. Và lúc này bạn có thể làm điều mình mơ ước.
Bây giờ anh có thể vui lòng kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong công việc của mình không?
Đó là việc giành được sự tin tưởng của Sếp: Lần đó, tôi được giao làm dự án có sử dụng một số mô hình công nghệ quan trọng, được cung cấp bởi một đối tác nội bộ công ty. Trước khi nhận việc, đối tác đó có gửi thư cho Sếp tôi bầy tỏ lo ngại về việc chỉ định người nước ngoài (cụ thể là gốc Á) làm việc này. Họ sợ rằng, một số thông tin quan trọng có thể bị tuồn ra ngoài. Đứng trước sự hoài nghi của đối tác về tôi, Sếp tôi đã viết thư cho đối tác khẳng định sự tin tưởng tuyết đối về tôi, đảm bảo sự tham gia của tôi vào dự án này. Bức thư đó cũng được gửi đồng thời cho tôi. Sự việc sẩy ra làm cho tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì tôi đã chứng tỏ được mình, và nhận được sự tin tưởng của Sếp. Buồn vì một sự thật, ta thỉnh thoảng vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong môi trường công việc ở Đức.
Ngoài công việc, anh thích làm gì khi có thời gian rảnh rỗi? Anh có thói quen hay sở thích nào đặc biệt không?
Sở thích của tôi cũng đơn giản, không có gì đặc biệt: Chơi với con, đá bóng, chơi cờ tướng và tán gẫu với bạn bè.
Anh làm gì để duy trì sức khỏe và nhiệt huyết khi công việc luôn rất áp lực?
Gia đình, bạn bè và thể thao là giúp tôi rất nhiều trong việc vượt qua áp lực công việc và cuộc sống.
Anh Tuấn và đồng đội khi chơi bóng đá
Thế còn du lịch, anh thích đi đến những nơi như thế nào? Những thành phố ở châu Âu mà anh thích nhất là gì?
Tôi và gia đình cũng đã có dịp đi thăm nhiều nước ở châu Âu. Thành phố ấn tượng nhất của tôi là thủ đô Vienna của Áo. Đối với tôi, nó là thành phố của tình yêu theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.
Một câu hỏi cuối cùng nhé! Anh có bí quyết gì để thuyết phục những người khác?
Sự chân thành! Có thể nó không phải là bí quyết để thuyết phục người khác nhanh nhất. Nhưng đây là bí quyết làm người khác tâm phục khẩu phục. Ngoài ra, bạn cũng học hỏi được nhiều điều khi thuyết phục người khác bằng bí kíp này.
III. Một số ý kiến đóng góp cho Hội SVVN tại Đức
Hướng nhiều hơn đến việc phục vụ cộng đồng:
- Đối với Cộng đồng Việt Kiều: Điều tra nhu cầu và đề xuất giải pháp, phố biến cũng như triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng Việt kiều: Ví dụ dạy tiếng Việt cho trẻ em, tin học ứng dụng cho cộng đồng (quản lý nhà hàng…), phổ biến văn hóa Việt cho trẻ, phổ biến văn hóa Đức cho cộng đồng Việt,…
- Đối với du học sinh: Tạo diễn đàn với các chuyên đề mở (online, offline) cho du học sinh để họ có cơ hội hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ họ để họ có thể tạo các nhóm hoạt động riêng theo các lĩnh vực khác nhau,…
Hướng các hoạt động nghiên cứu của sinh viên, tổng kết kinh nghiệm, kiến thức của các nước phát triển về các vấn đề thời sự ở Việt Nam nhằm vào việc nâng cao nhận thức phổ biến các kiến thức thiết thực cho cộng đồng ở Việt nam: Tạo, chọn một số đề tài của năm từ các vấn đề thời sự ở Việt Nam rồi tạo điều kiện cho các bạn du học sinh đóng góp sức mình vào đó,…
Cảm ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn của Hội SVVN tại CHLB Đức. Chúc anh tiếp tục có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
Biên tập viên:
Hà Xuân Giáp (TU Berlin) – BCH Hội SVVN tại CHLB Đức
Email:
ha********@gm***.com
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet