Cánh hạc vô định

Bài viết đoạt giải nhất chủ đề về cuộc sống và trải nghiệm – SiviDuc 5 năm một chặng đường.

“Cháu phải tự làm đi! Không ai giúp được cháu đâu!” – Cô đồng nghiệp cao giọng đáp. Và cứ thế nước mắt nó chỉ trực trào ra, nghẹn ứ, nó cố căng mắt ra, cố tưởng tượng tới đủ thứ tốt đẹp, nghĩ tới bố mẹ nó để kìm nén những giọt nước mắt đang lăm le kia khỏi rơi xuống. Nó nhìn lại tay nó chi chít những vết trợt da, xót lắm… vết thương chưa kịp lành… chả phải việc gì to tát, chỉ là mở nắp chai để rót nước cho khách, nó mở không nổi nữa quay sang cầu cứu cô đồng nghiệp.

Nó đi làm phụ bồi- công việc đầu tiên sau bốn tháng đặt chân đến nước Đức, tìm được công việc nó sung sướng tới mức không cần biết người ta trả nó bao nhiêu, chỉ cần người ta chịu thuê nó! Ngày ngày nó phải làm như một cái máy, từ một đứa ở nhà không phải động tay động chân vào bất cứ thứ gì, vậy mà giờ nó phải làm cả những công việc tay chân nặng nhọc, bê những két nước, thùng bia, chồng bát lớn, rửa không biết bao nhiêu xe cốc. Nó không nhớ nổi khối lượng công việc một ngày nó phải làm, bị mắng, bị nói chậm chạp,.. ngủ những giấc ngủ chập chờn, nó đã chán nản, căng thẳng rồi nó oán trách số phận, hai bàn tay nó bị nước ăn khô còng queo không cả duỗi thẳng được nữa, …nó buồn! Tự hỏi bản thân không biết mình phải làm vậy vì cái gì nữa, vì tiền ư? Không! Vì bản thân nó! Nó muốn thay đổi bản thân cơ mà…đây là cuộc sống mà nó đã tự lựa chọn, nó còn định trách ai nữa! Cuộc sống ở Đức đã dạy cho nó không được phép từ bỏ, không được phép dựa dẫm vào ai khác ngoại trừ bản thân mình. Nó tự làm, tự làm bất chấp cho đến khi những vết thương kia trở thành những vết chai sạn như chính con người nó vậy! Ngày qua ngày, bằng sự thật thà và chăm chỉ, cuối cùng nó đã nhận lại được sự yêu mến của tất cả mọi người, cảm nhận được hơi thở của Việt Nam ở một nơi cách nửa vòng Trái Đất, quây quần bên những bữa cơm đậm chất Việt, những tiếng cười nói rôm rả và hơn cả là sự đầm ấm như một gia đình. Nhớ những lần nó đang loăng quăng chạy ở ngoài bê nước cho khách thì nghe thấy tiếng ý ới của cô đồng nghiệp gọi lại đưa cho nó ly cocktail, cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết, rồi còn mua cho nó từ chai dầu gội, gói bánh…Nó từng nghĩ sao bố mẹ cho nó tất cả mà nó coi như lẽ thường mà bây giờ nó nhận được món quà nhỏ từ người khác nó lại cảm động đến thế, không cần vật chất cao sang, mà là giá trị tinh thần, ở đâu đó dưới vùng trời xa lạ vẫn tồn tại một sự quan tâm của người cô dành cho cháu gái. Cả những đêm dài ba cô cháu nằm tâm sự với nhau về cuộc sống gian truân, về tình yêu, về trải nghiệm. Hay có những buổi sáng mở mắt ra nó đã thấy một đĩa bánh mì trứng ốp la được để sẵn đầu giường. Mỗi người là một mảnh ghép khác nhau của cuộc sống, nếu vứt rời rạc thì ta sẽ thấy nó hoàn toàn vô nghĩa nhưng khi được ghép lại sẽ khiến cho ta thấu hiểu hơn, có cái nhìn đa diện và tích cực hơn. Từ lúc nào nó không còn chán ghét công việc này nữa, không còn than thở, nó làm việc bằng cái tâm, như một sự san sẻ giúp đỡ mọi người trong quán. Kết thúc một tháng kì nghỉ, nó phải quay trở lại trường học, rời xa nơi đây, nơi mà cho nó những trải nghiệm đầu đời, nhận những đồng lương đầu tiên kiếm được nơi nước bạn, nơi nó tìm thấy cảm giác của một gia đình. Nó nhận được quá nhiều thứ không chỉ vật chất mà còn tình cảm của mọi người, hơn cả là nó nhận được hai chữ “cháu gái” từ cô đồng nghiệp. Cô nó, em nó tiễn nó ra bến tàu, thêm lần nữa nó đã khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ khi nhìn họ rời đi, để lại mình nó với chiếc balo. Nó thấy hụt hẫng vô cùng giống như đang bị bỏ rơi vậy, rồi từ mai nó sẽ lại sống cuộc sống khác, không còn phải làm lụng nữa, những tháng ngày làm việc vất vả nó mới thấy được đi học là sung sướng thế nào, nó nhớ trường, nhớ lớp, nó cảm thấy nó may mắn hơn những người kia vì nó được tự do, không bó buộc, còn họ lại phải tiếp tục công việc hàng ngày như được lập trình sẵn, có những nỗi đau họ còn phải chịu đựng gấp vạn lần nó, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền hay vì sự trốn chạy khỏi cuộc sống bị bạo hành mà họ lưu lạc tới đây. Vậy mà lúc đầu chỉ có vài vết thương nhỏ nó đã định bỏ cuộc và oán trách.

Thêm lần nữa nó tháo gỡ được lời đồn đại rằng người Việt bên này rất xấu, không có tình thương và sự đùm bọc lẫn nhau. Đơn giản nó còn thấy hầu như cứ là người Việt vào quán Việt ăn thì sẽ được giảm giá. Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng mới thấy tình đoàn kết, tình đồng hương của người Việt nó đáng quý thế nào! Ngồi thật lâu ở Bahnhof, cảm giác chia tay ngày hôm nay làm nó nhớ lại quá khứ của bốn tháng trước khi vẫn còn ở Việt Nam. Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, nguyên cảm xúc, chỉ khác thời điểm…..

***** ***** *****

Nó- một cô gái thuần Việt, nó Việt đến mức nó từng nghĩ nó không sang nổi trời Âu, nó tin vào số phận, nó tin vì nó thuần Việt nên ông trời sẽ không cho nó đi đâu khỏi đất này, nhưng nó vẫn kiên trì cố gắng. Sau những chuỗi ngày dài một mình rong ruổi trên khắp các nẻo đường Hà Nội, nó đã nhận được Visa sang Đức. Nó ước mơ nó sẽ học Master Kinh Tế ở nước bạn. Nó từng khóc một mình khi thấy các bạn cùng trang lứa ra nước ngoài học tập. Nó từng đứng bần thần ở sân bay nhìn người khác trở về trong vòng tay bố mẹ, nó khát khao một ngày nó được như vậy, nó muốn đi để được trở về. Rồi ngày đó cũng đến, ngày nó tạm biệt gia đình để chuẩn bị bước sang một cuộc hành trình mới, nó ôm từng người thân và khóc thút thít, tạm biệt và cũng là vĩnh biệt người bác mà nó yêu quý, nó không nghĩ rằng chỉ một tháng sau ngày nó đi là bác nó cũng ra đi vĩnh viễn. Ra sân bay với cái đầu rỗng tuếch, vác balo đi trong chiếc áo phông đỏ thùng thình mà mẹ nó mới mua cho nó, mái tóc ngắn ngốc nghếch đến tận mang tai, nó sợ lắm, chưa bao giờ nó được đi máy bay. Cái cảm giác trống rỗng đã khiến nó không khóc như đã tưởng tượng, có lẽ nó đã xác định được từ giờ trở đi nó phải độc lập, phải tự đối mặt, và cứ thế nó đi thẳng vào bên trong không cả chào người thân, không chụp ảnh, nó cũng không cả ngoái nhìn lại vì nó sợ không đủ can đảm mà bước đi nữa, nó sợ nhìn thấy mái tóc bạc với đôi chân đau của ngoại, sợ nhìn thấy những nếp nhăn khắc khổ trên khuôn mặt của bác, và sợ nhất nhìn thấy ánh mắt trĩu nặng âu lo của mẹ và sự kì vọng của bố.. Liệu nó sẽ làm được gì cho đến ngày quay trở về. Sau này nó mới được biết cả nhà đã ngồi bên hành lang cùng hướng về phía chiếc máy bay có tên hãng mà nó đi cho đến khi cất cánh mới chịu ra về, từ bà ngoại cho đến cu em bé tí teo cũng kê dép ngồi hóng theo chị dù chẳng ai biết chắc có nó ngồi trong đó hay không. Nó ra đi mang theo sự nghiệp còn dang dở của bố nó trên nước bạn, để trở về với quá khứ của hai mưoi năm trước nó còn chạy theo xe ôtô chở bố nó đi, để lại những tháng ngày dài mười năm chỉ có ba mẹ con nó bên cạnh nhau. Nhìn hình ảnh bố mẹ, người thân ngồi đó nó thương lắm!

***** ***** *****

Mở mắt ra sau một chuyến bay dài, nó đã ở một nơi hoàn toàn xa lạ, từ cái cây, góc phố, con đường; vẫn chung vòm trời đó mà dường như nó đang hít một bầu không khí khác vậy. Và rồi những ngày tháng khủng hoảng bắt đầu, giữa dòng người với đủ ngôn ngữ khác nhau, nó thấy mình lạc lõng vô cùng. Đến từ một đất nước ngày ngày len lỏi bởi xe máy và khói bụi, nó bắt đầu tập làm quen với văn minh, văn minh từ cái nhỏ nhất. Nó học cách phân biệt các loại tàu trong thành phố như thế nào; rồi cách mua vé tàu ra sao. Duyên số đã đưa đẩy nó đến học tập ở Jena- một thành phố xanh xinh đẹp, được mệnh danh là lá phổi của nước Đức. Khó khăn chồng chất khó khăn, và việc tìm nhà luôn là vấn đề nan giải với du học sinh nước ngoài, đặc biệt lại là một đứa tiếng Đức còn bập bẹ như nó. Lúc này thì nó chẳng có tâm trí đâu mà thấy Jena đẹp hay xanh nữa. Nhớ ngày đầu tiên nó đến Jena, nó cũng phấn khích lắm, ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng của nó, trong tiếng nhạc sập sình đúng phong cách phương Tây thời thượng, nó thấy tấp nập sinh viên đi lại…nó mừng lắm… vì ở Việt Nam nó cũng gõ nát bàn phím để tìm hiểu về thành phố mà nó sẽ đến, nó sợ đó là một khu làng hẻo lánh buồn tẻ. Nhưng sinh viên đông đồng nghĩa với việc kí túc xá đã kín chỗ, nó không có chỗ ở dù dùng mọi cách, nó được bạn Mentorin người Đức dẫn lên ăn vạ xin kí túc mà cũng không may mắn được nhận phòng. Rút kinh nghiệm cho bạn nào muốn tới Jena học tập là phải đăng kí kí túc trước ít nhất sáu tháng. Và rồi may mắn nó xin ở nhờ được một người bạn Việt Nam trong lúc bơ vơ, hai tuần liền có bao nhiêu áo nó mặc hết lên người chống rét, ngủ dưới sàn với chiếc chăn mỏng. Tiền bố mẹ cho cầm theo mà nó sợ không dám mua chăn hay một chiếc áo khoác dày để mặc, nó chịu rét như thế, nó quy đổi ra tiền Việt, nó không dám mua cái gì đắt quá ba euro ( sau này mới biết mình dại ^^).

Với vốn tiếng Đức bập bẹ thì gọi điện thoại để hỏi nhà là một thử thách đáng sợ với nó. Thế tại tất đắc buộc nó phải viết sẵn những câu cần hỏi ra giấy và lấy hết can đảm bấm số. Sau tiếng Tút…dài thì đầu dây bên kia cất giọng. Giật bắn mình! Nó lấy hơi tuôn một mạch theo tờ giấy viết sẵn. Sau vài cuộc điện thoại tuy người ta hoặc từ chối hoặc hết phòng (chắc họ nghe thấy nó nói tiếng Đức sợ quá ^^), ấy vậy mà nó vẫn thấy vui đến lạ, nó vui vì nó dám mở miệng nói tiếng Đức. Và rồi hoàn cảnh đưa đẩy, những thành phần vô gia cư cùng chung mục đích sống đã gặp nhau, có đồng minh nên nó và các bạn cùng nhau liên hệ tìm nhà, không chỉ đi bộ mà còn leo lên núi, đi khắp các ngóc ngách có thể của Jena (nhớ có đứa phải tháo giày ra xách bộ ^^). Nhà đầu tiên chúng nó đến có một ông già người Đức đón tiếp, họ rất vui vẻ và nồng hậu, quý người châu Á, nó thầm nghĩ sao nhà họ đẹp như thiên đường trên mây vậy (chú thích đây là khu nhà giàu trên núi của Jena), ngồi một hồi mới biết nhầm nhà, họ không cho thuê phòng, mấy đứa thất thiểu đến ngôi nhà thứ N- phải nói ngôi nhà đẹp như trong truyện cổ tích, ở trong có hai ông bà già là giáo sư hay gì đó ra mở cửa và nhìn mấy đứa với ánh mắt đầy ngờ vực và đề phòng, nó còn đang mải xuýt xoa thì họ viện cớ để xua đuổi thậm chí không muốn cho vào nhà, vì nhà này họ không thích người nước ngoài. Tự nhìn lại bản thân, đứa nào đứa nấy với bộ dạng nhếch nhác mấy tuần ăn nhờ ở đậu, nghĩ bụng họ đuổi cũng phải, nghĩ vậy rồi tự cười với nhau.

Những ngày tháng tìm nhà vất vả nhưng thực sự vui và là kỉ niệm khó quên ở quãng đời sinh viên khi mới tới Đức. Nếu chúng ta nghĩ khó khăn rồi cũng thành kỉ niệm đẹp thì mọi thứ không còn là cản trở nữa. Những ngày tháng đó mang lại cho nó thêm những người bạn thân thiết như chị em, mỗi đứa đến từ một vùng miền khác nhau ở Việt Nam, sang đây gặp nhau, đa dạng về tính cách, cùng trải qua khó khăn, cùng cố gắng mà sau này sẽ rất khó có thể tìm lại cảm giác đó. Mọi chuyện cuối cùng sẽ ổn, nếu chưa ổn thì vẫn chưa phải cuối cùng, may mắn nó cũng tìm được phòng, ông chủ nhà người Đức rất quý mến người châu Á nên đã giúp đỡ nó rất nhiều, rồi cả bạn hàng xóm người Syria cũng tốt với nó. Cứ thế ngày tháng trôi đi, nó tới trường rồi về nhà trên con đường quen thuộc, giờ thì nó có thể thảnh thơi ngắm nghía từng góc phố, từng viên gạch của Jena. Phải nói vỉa hè của Đức cũng là sự khác biệt lớn, sự quy củ và chất lượng, người Đức rất coi trọng không chỉ vỉa hè mà mọi công trình của họ làm đều nắn nót, tỉ mỉ từng chút một. Nó đứng ngắm nghía người ta lát vỉa hè, từng viên đá chắc chắn dày hơn tấc được xếp đều đặn. Các công trình của Đức có tuổi thọ độ bền phải hơn trăm năm, sẽ không lạ khi bắt gặp ở Đức các ngôi nhà cổ lên tới hơn trăm năm tuổi mà họ vẫn sinh sống hàng ngày, nó cũng may mắn được sống trong một ngôi nhà cổ, sau này mới chuyển vào kí túc ( cảnh báo cho bạn nào sợ ma, có hôm nó ở nhà một mình, nghe thấy tiếng hát rên rỉ kì quặc văng vẳng lúc xa lúc gần, hoảng tinh thần mất mấy giây, lấy hết dũng cảm ngó nghiêng trên chiếc hành lang gỗ ọp ẹp, dưới ánh đèn vàng lờ mờ, sau một hồi nó đã phát hiện ra đó là tiếng hát của bạn hàng xóm người Ấn ^^, tổn hại mất mấy năm tuổi thọ ^^).

Thấm thoắt đã gần hai năm ở nước bạn, đã qua hai cái Tết nó không ở nhà, mọi thứ vẫn chỉ như bắt đầu, vẫn luôn mới lạ với nó, chỉ khác là nó không còn cảm giác sợ sệt như trước nữa mà học cách tự giải quyết, tự vượt qua biết bao nhiêu chuyện, học tập, tình yêu, bạn bè… Đó là những hồi ức đẹp trong nó, sống xa nhà đồng nghĩa với việc phải tự làm mọi thứ từ cái nhỏ nhất như trèo lên thay bóng đèn đến sửa đồng hồ,.. hay tự nấu những bữa cơm Việt dù chỉ thưởng thức một mình nhưng cũng thấy mãn nguyện, phải không ngừng tìm hiểu mày mò như một bản năng sinh tồn. Ai cũng sẽ trải qua một thời gian khủng hoảng giai đoạn đầu, đặc biệt với những người khó thích nghi và nhút nhát như nó vì rào cản rất lớn về ngôn ngữ, văn hóa… Không những thế có những nỗi đau mất mát người ta cũng phải học cách chịu đựng một mình. Nó nhớ cái ngày đột nhiên bóng đèn phòng nó cháy thì nó nhận được tin bác nó mất đột ngột, nó chỉ biết khóc, khóc cả đêm, ngồi trong lớp nó cũng khóc, nó chẳng biết phải làm gì nữa, chưa bao giờ nó thấy mình bất lực và vô dụng như thế!

Cuộc sống bên Đức giống như những thước phim muôn màu của cảm xúc mà chẳng thể chia sẻ cùng ai, buồn vui hoà trộn,trong mọi niềm vui của nó đều ẩn sâu một nỗi buồn phảng phất, sự cô đơn, sâu trong thâm tâm chưa bao giờ nó cảm thấy mình được vui trọn vẹn, nó thường lặng lẽ nhìn những đứa trẻ khác vui đùa ngoài đường hay trên tàu, nó thèm được như chúng, nó ước nó cũng có bố mẹ ở bên, nó hiểu ra một điều rằng ở đâu không quan trọng, chỉ cần ở đó có gia đình. Cuộc sống ở Đức không có gì là khó khăn cả, cái khó là có thể tự chiến thắng được cảm xúc của chính mình. Lúc căng thẳng hay buồn, nó thường tha thẩn một mình lên núi, ngắm từng đôi ông bà già dắt nhau thảnh thơi đi dạo, một cảnh không hiếm gặp ở Đức, đó cũng là một đức tính đáng quý của người Đức. Đàn ông họ thường rất ân cần với phụ nữ, khoác áo, xách đồ thâm chí khi đi ăn ở nhà hàng, đàn ông sẽ là người bế con cho người bạn đời của mình. Một sự khác biệt rất lớn về văn hóa và nếp sống!

***** ***** *****

“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Tuổi trẻ của bạn còn đang mê mải với những khát vọng sự nghiệp, chạy theo những đam mê còn đang ấp ủ thì tình yêu chính là gia vị tuyệt vời nhất để dung hòa tất cả. Và Jena đã mang anh đến như để bù đắp cho nó những tháng ngày đơn độc. Anh và nó từ những người xa lạ, để rồi vô tình đi ngang qua đời nhau. Tình yêu của anh và nó được nuôi dưỡng từ tình bạn đơn thuần, dần dần là sự cảm thông và chia sẻ với nhau, cùng chung một sở thích, chung một suy nghĩ hay đơn giản là chung một sự điên rồ. Anh- một người đàn ông sẵn sàng đeo tạp giề vào bếp để nấu cho nó những món ăn ngon, hay phi ngay ra khỏi nhà đón nó lúc nó bị đi lạc. Vẫn luôn là câu nói “em ở yên đó, anh sẽ tới ”, anh luôn là người chạy theo nó và xuất hiện mỗi lúc nó cần. Sau giờ làm, vẫn bóng dáng người đàn ông đó mang theo hộp đồ ăn mà anh tranh thủ tự nấu để mang cho nó. Rồi từ lúc nào như một thói quen nó chờ đợi anh mỗi ngày và cuộc sống của nó dường như không thể thiếu hình bóng của anh. Tưởng như mọi thứ là sự sắp đặt trước của số mệnh, cùng nhau nuôi ảo mộng về một gia đình nhỏ với những đứa trẻ đáng yêu! Không..! Gia đình anh đã ngăn cản mối quan hệ này, những lời nói van xin của một người mẹ mong mỏi đứa con trai của mình đừng yêu một người xấu xí như nó, giống như từng nhát dao đâm xé tâm can nó vậy, từ lúc nào nó giống như một nỗi xấu hổ trong mắt người khác. Nó lại nghĩ đến sự kì vọng của bố mẹ nó, nó nghĩ đến những hi sinh, những gì tốt đẹp nhất bố mẹ nó dành cho nó những tưởng để người khác trân trọng thì giờ đây được đem ra phán xét và đong đếm. Nó chẳng hận hay ghét ai, nó chỉ thương bố mẹ nó thôi, có đáng hay không! Nó đã chạy trốn khỏi anh, chạy trốn khỏi nỗi đau mà nó không muốn đối mặt. Anh vẫn bảo vệ nó, bênh vực nó mặc những lời chê bai từ người khác, anh hiểu nó giống như cái cách mà anh đã yêu nó. Và rồi lại bất chấp yêu nhau. Liệu rằng tình yêu đó có thể được trọn vẹn nếu thiếu đi sự ủng hộ của gia đình. Nếu vốn đã không thuộc về nhau thì bằng lý do này hay lý do khác thì người ta vẫn để lạc mất nhau. Tuổi xuân là quãng thời gian để người ta chìm trong nhớ nhung, hoài niệm. Khi bạn ôm nó vào lòng, nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi bạn quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa. Những người đã từng yêu và làm tổn thương chúng ta đều có ý nghĩa với sự tồn tại tuổi xuân của chúng ta. Hãy trân trọng những kí ức đó như cách mà bạn đã từng yêu!

Và cứ thế tuổi thanh xuân của nó vẫn còn dang dở trên nước bạn với bao hoài bão: tình yêu, sự nghiệp, học tập…Hiện tại nó đã chuyển tới Berlin được ba tháng, nó sẽ lại bắt đầu với những trải nghiệm và khám phá mới! Phía cuối con đường kia còn bao điều tốt đẹp vẫn đang chờ nó. Chỉ cần nó kiên nhẫn bước từng bước, đừng bao giờ bỏ cuộc để sau phải hối tiếc. Cứ sống hết mình cho tuổi trẻ như những cánh hạc vút lên bầu trời, lướt qua những dãy núi tuyết trùng điệp để rồi khi chiều hoàng hôn buông xuống, lại cùng nhau bay trở về tổ như một sự hòa hợp của cuộc sống. Ai cũng có tuổi trẻ và những câu chuyện về tuổi trẻ của riêng mình, trong mỗi câu chuyện ấy đều có những hồi ức đẹp kèm theo cả sự nuối tiếc mãi in dấu lại nơi đáy trái tim.

Bài viết này chỉ mang cảm xúc cá nhân, mỗi người khác nhau sẽ có góc nhìn, tính cách và khả năng hoà nhập khác nhau. Vì vậy tác giả chỉ mong muốn chia sẻ cho thêm phong phú và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tuổi thanh xuân. Cảm ơn các bạn đã đọc. Xin ghi nhận mọi ý kiến đóng góp để bài viết được hoàn thiện hơn.

Berlin, ngày 22 tháng 12 năm 2018

Vũ Ngân


Hình ảnh: Cánh hạc trong sương – Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long.

 

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook