Với một nền giáo dục chất lượng và bằng cấp được công nhận toàn thế giới, nước Đức là nơi lý tưởng cho các bạn sinh viên có mong muốn đi du học. Đặc biệt học ở Đức ngay cả sinh viên quốc tế cũng được miễn học phí, các bạn chỉ phải trả phí quản lý sinh viên, vé đi trong bang… Chi phí sinh hoạt ở Đức cũng không quá đắt đỏ như các nước Pháp, Thụy Sĩ. Với tài khoản phong tỏa 8100€ của Deutsche Bank hàng tháng mỗi sinh viên không được rút quá 670€.Các khoản chi cố định hàng tháng:* Thông thường tiền thuê nhà sẽ chiếm phần lớn nhất trong các khoản chi tiêu hàng tháng, dao động trong khoảng từ 180€ đến vô cùng (!). Quy luật chung thường là ở các thành phố lớn, đông dân, thu nhập đầu người cao thì tiền thuê nhà sẽ cao hơn ở những thành phố, thị trấn… nhỏ, ít dân, thu nhập trung bình thấp hơn; nhà ở khu trung tâm đắt hơn ở ngoại thành; phòng ký túc xá rẻ hơn nhà tư; các thành phố du lịch hay thành phố sinh viên, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống thường có nhu cầu tìm thuê nhà cao hơn từ đó giá thuê cũng có thể cao hơn các nơi khác. Thuê nhà (bao gồm tiền nhà và các chi phí kèm theo nhà tùy hoàn cảnh như tiền nước, tiền điện, tiền xử lý rác thải, tiền điện thoại cố định, và tiền internet) 200-250€/tháng, nhà ở München có thể lên tới 350€/tháng.
* Bảo hiểm nhà nước (đối với sinh viên đại học) khoảng 77€/tháng, bảo hiểm tư nhân (đối với sinh viên học tiếng và dự bị khoảng 38€/tháng); tiền điện thoại di động (thuê bao trả sau).
* Chi phí ăn uống(có thể dao động trong 1 khoảng nào đó nhưng nhìn chung không quá lớn) khoảng từ 80-100€/tháng, ở phía Nam Đức, Hamburg, Frankfurt,…chi tiêu đắt đỏ hơn thì khoảng 120-150€/tháng nếu tiết kiệm. Đồ ăn ở Mensa các trường tầm khoảng 2-3€. Ngoài ra có một số chi phí không tính theo tháng mà đóng theo học kỳ như phí quản lý sinh viên hay vé kỳ cho giao thông công cộng.
Dưới đây là chi phí sinh hoạt hàng tháng mà một số bạn sinh viên các thành phố chia sẻ với Sividuc:
1. Chị Nga (Abert Ludwig Uni Freiburg)
Ở Freiburg 1 phòng ký túc xá có giá thuê trung bình từ 190-280€ (đã bao gồm tiền điện, nước, rác; tiền internet có thể bao gồm trong tiền thuê nhà hoặc không tùy theo từng khu ký túc xá khác nhau). Các phòng này diện tích tương đối nhỏ, từ 12-15m², dùng chung bếp, toilet, phòng tắm với người khác (1 WG có thể có từ 2-12 người). Phòng ký túc xá nhưng có bếp hay phòng tắm riêng thì giá thuê đắt hơn, khoảng 320-370€/tháng. Thuê nhà tư nhân giá thường đắt hơn ở trong ký túc xá. Việc tìm nhà ở Freiburg cũng tương đối phức tạp vì số lượng phòng ký túc có hạn, nhà trong khu trung tâm thường có giá trên trời nên rất nhiều người phải chọn thuê ở những khu vực xa trung tâm, thậm chí ở các thành phố, thị trấn vệ tinh (việc đi lại tương đối bất tiện)…
Mensa ở Freiburg mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, phục vụ bữa trưa và bữa tối. Bữa trưa có thể chọn giữa menu cố định (2.65€/suất) hoặc đồ ăn tự chọn (khoảng 1.85€/100g thức ăn, tính tiền theo lựa chọn của từng người). Bữa tối cũng tự chọn đồ ăn với mức giá tương đương bữa trưa. Menu cố định luôn có 2 loại, 1 cho người ăn chay và 1 loại bình thường. Nếu tự nấu bữa tối ở nhà với mức tiết kiệm nhất thì chi phí khoảng 120€/tháng (ăn trưa ở Mensa).
2. Bạn P (Westfäliche Hochschule)
– Thuê nhà khoảng 245€ (Untermieter, bao gồm internet và điện nước )
– Bảo hiểm TK( đối với sinh viên đại học ): 77€
– Chi phí ăn uống khoảng 80-100€
3. Trang (TU Berlin)
– Phòng ký túc xá: 200€/tháng ( bao gồm điện nước, nhưng không bao gồm internet).
– Chi phí ăn uống khoảng 100€, bữa trưa ăn ở Mensa khoảng 4€. Mensa TU Berlin nổi tiếng với đồ ăn ngon.
– Các khoản chi tiêu khác…..
4. Bạn D (Hochschule Anhalt)
– Phòng ký túc: 200€/tháng ( phòng mới, bao gồm internet nhưng mỗi tháng chỉ được phép dùng 10GB), điện, nước, đầy đủ giường, tủ, mỗi phòng có sẵn một tủ lạnh mini). Mỗi dãy khoảng 6-7 phòng chung một phòng bếp (rộng, sạch sẽ), hai nhà tắm, hai nhà vs.
Phòng cũ thì giá khoảng 160€/tháng (bao gồm điện, nước nhưng không có internet).
– Bảo hiểm tư nhân Mawista 37,20€/tháng.
– Tiền điện thoại 15€/tháng.
– Chi phí ăn uống: 80-100€/tháng.
5. Linh (Fachhochschule Nordhausen)
– Phòng đôi tương đối rộng ( ký túc xá tư nhân): 155€/tháng( bao gồm điện nước). Mạng internet hơi phập phù và thường bị cắt lúc 1h10´ J. Một số nhận xét thêm là: bếp thì bếp chung ko lò nướng, còn lại thì cũng ổn, nhà tắm với vs sạch vừa vừa. Đi bộ mất 10 phút tới trường.
– Chi phí ăn uống khoảng 90€/tháng. Bữa trưa ăn ở Mensa cũng khá ngon, maximum là 2,6€/bữa.
6. Chị H (Otto-von-GuerickeUniversität Magdeburg)
– Phòng ký túc xá như một căn hộ khép kín với bếp và nhà vs riêng: 260€/tháng ( bao gồm tiền điện nước , nhưng đồ đạc phải tự sắm).
Phòng 14m²(không đồ đạc) cả hành lang chung 1 bếp 2 toilet: 150eu/tháng (bao gồm tiền điện, nước, Internet).
Phòng 24 m² (diện tích ở là 14m², nhưng có bếp và nhà tắm share với 1 phòng khác): 200eu/tháng.
Phòng khép kín hoàn toàn (có đủ đồ đạc): 220 €/tháng (Có thể có bếp hoặc ko có bếp trong phòng).
WG thuê bên ngoài: nhiều loại giá 150
Phòng tại Campus tower, giá cực đắt.
– Ăn uống thoải mái + hưởng thụ thì 150-200€, tiết kiệm hơn thì 80-150€ .
– Bảo hiểm: 2 loại là bảo hiểm nhà nước và tư nhân.
Nhà nước: AOK, TK ~ 80€/tháng
Tư Nhân: Mawista, Care Concept (26 – 60€/tháng). Trong 18 tháng đầu thì rẻ, trên dưới 30€ , sau đó tăng.
– Internet, nếu trong kí túc thì internet dùng tẹt ga ko giới hạn, ra ngoài ở riêng thì 20 -40 €/tháng tùy gói.
– Làm thêm: Tây ta đủ cả, nhiều nhất là Quán châu á, Mcdonald, Maritim Hotel, làm thêm trong kho người Việt. Lương dao động từ 4 – 8€/h, hiwi 10E/h cho Master, Bachelor hình như max chỉ đc 8€/h.
7. Bạn Thành (Uni Bochum)
– Căn hộ rộng 60 m² ba người ở: một phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 bếp và 1 nhà tắm: 450€/tháng ( bao gồm điện nước ).
– Bảo hiểm: 33€/tháng.
– Chi phí ăn uống: 100€/tháng.
8. Bạn N. (Uni Weimar)
– Phòng ký túc xá: 150€/tháng ( đã bao gồm internet và điện nước). Đi bộ từ ký túc xá tới trường mất khoảng 10 phút.
– Chi phí ăn uống khoảng: 150€-200€
– Bảo hiểm ( Care Concept): 26€/tháng
– Một số khoản chi tiêu khác nữa, một tháng tầm khoảng 400€
9. Bạn V. (TU München)
– Phòng kí túc xá (cách trung tâm München 30km, bếp và vệ sinh chung) 234€ bao gồm điện nước, Internet.
– Bảo hiểm: 78€/tháng.
– Chi phí ăn uống: 120€/tháng.
– Vé tàu (trước khi có Semester ticket): 60€
– Làm thêm: Làm quán người Việt (rửa bát và phụ việc) 5.3€/h. Làm Công ty của người Đức, công việc số hóa bản đồ trên máy tính (HiWi) 10€/h. Làm trong xưởng in 8.5€/h.
10. Chị Phương (Martin-Luther-Universität Halle-Wittenberg)
– Phí học kỳ : 72,4 €/học kỳ
– Ktx: tầm 175 – 320, tùy nhu cầu. Trung bình cỡ 185 là ở ổn phòng khoảng 16-22m², có nội thất đầy đủ, đã bao gồm điện nước. Internet khoảng 8 – 15 €/tháng (tùy vị trí ktx). Có thể thuê nhà ở ngoài cũng tầm giá đó hoặc rẻ hơn nếu ở ghép với người Việt.
– Ăn uống: nấu ăn tầm 80-120 €/tháng.
– Bảo hiểm: Mawista tùy độ tuổi và loại mua giá tầm 32,7 đến 58€/tháng, AOK 80€/tháng
– Điện thoại: 15€/tháng.
– Làm thêm: có thể làm ở các quán người Việt, restaurant hoặc bán hoa quả nhưng giá hơi thấp: hoa quả 3,5€/h; restaurant 4-5€/h. Cũng có thể làm hiwi 10€/h nhưng xác suất ko cao (thường ưu tiên tuyển sinh viên Đức).
11. Bạn Kiên HTWK Leipzig
– Phí kì: 183€ ( trường HTWK )
– Nhà ở: Kí túc: Phòng 12 – 20 m² chung 1 bếp, 1 toilet: 150-200€/tháng (bao gồm điện, nước, Internet), có đồ đạc
WG : dao động từ 140 – 200€/tháng ( thông thường là mức 150 )
Phòng tại Campus tower, giá cực đắt.
– Ăn: 80 – 150 ( tuỳ ăn nhiều hay ít, ở với bao nhiêu người )
– Bảo hiểm: AOK, TK: khoảng 80€/ tháng
– Internet: ở KTX : giới hạn 15Gb thì phải
ở riêng thì 20-40€/tháng tuỳ gói, càng nhiều người share càng rẻ
– Làm thêm:
BMW : dọn dẹp vào cuối tuần, lương hình như là hơn 10E/h ( vì làm đêm hoặc chủ nhật nên lương cao ) . đây là công việc ưa thích của SV ở đây, dễ xin, đi làm lại vui, lương cao.
Amazon : đóng gói các thứ, lương tương đối cao, làm đêm và ngày lễ đươc tính lương cực cao. Tuy nhiên làm công việc này thường làm Vollzeit cả đợt nên ảnh hưởng đến việc học. Dễ xin, đi làm cũng vui .
Hàng quán : từ 4 – 6€/tháng tuỳ quán
Như vậy chi phí sinh hoạt một tháng mỗi sinh viên khoảng 450-500€ ( nếu chi tiêu tiết kiệm). Ngoài ra sinh viên có thể đi làm thêm vào cuối tuần để trang trải thêm. Tuy nhiên đối sinh viên (học tiếng, dự bị và chính quy) đều bị giới hạn số ngày làm: 120 ngày/năm( nếu làm cả ngày) hoặc là 240 ngày/năm(nếu đi làm nửa ngày). Khác biệt là sinh viên dự bị và học tiếng chỉ được phép đi làm vào kì nghỉ còn sinh viên chính quy thoải mải về thời gian (miễn sao sắp xếp thời gian đi làm không ảnh hưởng đến việc học tập). Mức lương làm thêm dao động từ 4€/giờ-12€/giờ, tùy công việc và thành phố.
Tác giả bài viết: NLTD
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com
No responses yet