Nhà khoa học Việt và những bài báo trên tạp chí Nature lừng danh

Nhân vật thứ tư trong năm 2016 mà Hội SVVN tại CHLB Đức muốn giới thiệu đến bạn đọc là anh Chu Văn Trung – người đang làm việc tại Viện nghiên cứu về sinh học phân tử phục vụ cho y học Max-Delbrueck, Berlin, Deutschland và đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá.

  Sividuc_Chu Van Trung 2 (2) 

Lời giới thiệu:

Gương mặt lãng tử, đôi mắt cương nghị và nụ cười bí hiểm! Tất cả những điều này có thể khiến ai đó liên tưởng anh ấy với một siêu anh hùng. Các siêu anh hùng, tất nhiên rồi, luôn làm một công việc quen thuộc: Chống lại các thế lực xấu xa để giải cứu thế giới. Anh ấy cũng vậy, chỉ khác biệt là làm việc trong một thế giới vi mô vô cùng độc đáo – nơi những phương thức hữu hiệu cần không ngừng được tìm ra để đánh bại sự tấn công của virus, vi khuẩn và các tế bào lạ tới hệ miễn dịch của con người. Vẫn chưa ai rõ là bên cạnh anh ấy có cộng sự nữ xinh đẹp giống như Black Widow hay không, nhưng những kết quả mà anh ấy đã đạt được thì không hề kém cạnh, thậm chí còn có phần ấn tượng hơn so với những gì mà mấy anh chàng ăn mặc lòe loẹt, vừa chạy nhảy vừa la hét om sòm đã làm. Các bạn cũng biết đấy, khi không làm nhiệm vụ, những anh hùng thường thích ẩn mình bằng vẻ bề ngoài giản dị và tính cách hòa đồng. Nhưng may quá, cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm ra anh ấy đây rồi! Trong chuyên mục Nhân vật Sividuc kỳ này, mời các bạn cùng chúng tôi đến gặp anh Chu Văn Trung – một người hết sức thú vị và cũng là nhà nghiên cứu tài năng trong lĩnh vực Miễn dịch học và tái tạo hệ gene.

Chỉ có một lưu ý nhỏ! Khi đến gần anh ấy chúng ta sẽ bước đi thật khẽ trước khi anh ấy kịp phát hiện ra có rất nhiều người đang nhìn mình nhé!

 

Thông tin cơ bản:

– Họ tên: Chu Văn Trung

– Sinh ngày 15.10.1979 tại Mỹ Tân-Mỹ Lộc-Nam Định

– Quá trình đào tạo:

+ Đại học KHTN Hà Nội, ngành Sinh Học, 1998-2002

+ DRFZ và đại học Greifswald, Ngành Miễn dịch học, 2005-2008

– Lĩnh vực nghiên cứu: Miễn dịch học và tái tạo hệ gene

– Những thành tích đã đạt được (liệt kê tới 03 thành tích nổi bật và cập nhật nhất):

+ Nhận giải thưởng: Fritz-und-Ursula-Melchers-Preis (2012)

+ Nhận giải thưởng: The Gerald J Gleich Award (2013)

+ Có 2 bài trên tạp chí Nature chuyên ngành (2011 và 2015)

+ Bằng tiến sỹ năm 2008, xếp hạng Magna Cum Laude

 

Phần phỏng vấn:

 

Thưa anh, được biết anh đang nghiên cứu về hệ miễn dịch và điều trị ung thư. Hội SVVN tại CHLB Đức thực sự rất vui mừng gặp anh ngày hôm nay và trước hết muốn thể hiện sự cảm kích của mình trước những gì anh đã làm để mang lại sức khỏe cho tất cả mọi người.

 

Anh có thể giới thiệu cụ thể hơn về công việc của mình không?

Mình đang làm nghiên cứu viên tại một phòng thí nghiệm thuộc viện nghiên cứu về sinh học phân tử phục vụ cho y học (Max-Delbrueck Center for Molecular Medicine-Berlin). Lĩnh vực nghiên cứu chính của mình hiện tại là tìm cơ chế phân tử của các dòng B cell lymphoma (ung thư bạch cầu lympho B, là một dạng ưng thư máu), từ đó phát triển các chất ức chế cho B cell lymphoma. Ngoài ra, mình cũng xúc tiến sử dụng công nghệ tái tạo hệ gene (genome-editing) CRISPR/Cas9 (công cụ phân tử đánh vào đoạn DNA đặc hiệu) cho sữa chữa các đột biến điểm trong tế bào gốc máu dùng cho liệu pháp gene điều trị bệnh nhân có sai hỏng về di truyền.

 

Nghe rất thú vị nhưng hẳn là không đơn giản phải không? Theo anh những đặc điểm nào khiến cho công việc của anh khác biệt với những công việc khác và tại sao vậy?

Thực ra nói đến nghiên cứu thì ngành nghề nào cũng vất vả, phải kiên trì và phải có bộ óc sử lý số liệu tốt nhất, phải lao đông cật lực. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng của nó, chẳng hạn như ngành y sinh của mình chẳng hạn: Thứ nhất, là một ngành thực nghiệm vì vậy phải tiến hành rất nhiều thí nghiệm trên mô hình động vật, thời gian bao giờ cũng kéo dài hơn và vất vả hơn. Thứ hai, số liệu phải có giá trị thực tế, có nghĩa là phải lặp lại được, vì vậy cùng một thí nghiêm phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Thứ ba, tính sáng tạo và chủ đề thu hút, bởi vì có rất nhiều phòng thí nghiệm (lab) trên thế giới làm cùng chuyên ngành với mình. Vì vây, mình phải luôn nỗ lực hơn nữa tìm ra cái gì đấy thật mới, không sợ đụng hàng với các lab khác, bên cạnh đấy phải hết sức cẩn thận để các lab khác không ăn cắp ý tưởng của mình.

 

Anh có thể kể về những bước anh tiến hành để tìm một loại thuốc kháng sinh hay phương pháp điều trị mới không? Làm việc với thế giới vi mô hẳn rất thú vị, cảm giác như thế nào và khác với cảm giác trong thế giới hiện thực ra sao thưa anh?

Đưa một quy trình vào y học thực tiễn là khá phức tạp: đầu tiên bao gồm những nghiên cứu cơ bản, sau đó sẽ tiến hành thử nghiêm trên các mô hình đông vật (phase I). Sau khi thử nghiệm trên động vật sẽ tiến hành bước tiếp theo trên người tình nguyện (Phase II). Nếu ổn sẽ tiến hành trên đối tượng bệnh nhân (phase III). Tóm lại, một quy trình như vậy cũng phải mất ít nhất 5 năm. Đặc thù của ngành nghề như vậy biết làm sao được. Nhiều người nói đùa anh làm ngành này nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn…Cái mình cảm thấy thích thú hơn các bạn đó là mình biết cơ thể của mình cấu trúc như thế nào (J).

 

Anh đã có bài “Increasing the efficiency of homology-directed repair for CRISPR-Cas9-induced precise gene editing in mammalian cells” đăng trên tạp chí Nature biotechnology có chỉ số impact factor rất cao, hiện nay được trích dẫn rất nhiều? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm xuất bản ở những tạp chí có uy tín cao như vậy cho các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh được không (thời gian, hướng nghiên cứu, kinh phí,…)

Như đã đề cập ở trên, để đăng bài báo ở những tạp chí lớn thì cần những yếu tố sau: (i), phải làm ở những lab lớn (tức là GS phải nổi tiếng), khoa học thực chất là cụm từ không khoa hoc bởi vì cũng giống như một xã hội, các nhà khoa học cũng có một mạng lưới cho riêng mình. (ii), ý tưởng phải mới. (iii), cần cù không bao giờ bỏ cuộc, tuỳ từng để tài có thể mất tới 5 năm.

Sividuc_Chu Van Trung 2 (1)

 

Trong công việc của anh, các đồng nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào? Theo anh, làm thế nào để công việc nhóm đạt được hiệu quả cao nhất?

Đấy là điều tất yếu, trong khoa học chỉ có thể đạt hiệu quả cao bằng hoạt động nhóm, vì chỉ như vậy ý tưởng mới được kiểm chứng. Để đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động nhóm cần phải hoà đồng cùng tập thể, chân thành với nhau,…

 

Khám phá nào khiến anh vui nhất (hay cảm thấy ý nghĩa nhất), anh có thể kể về quá trình tìm ra và công bố kết quả đó được không?

Như các bạn đề cập tới bài báo trên Nature Biotechnology, đấy là khám phá nhanh nhất chỉ mất có 7-8 tháng. Từ lúc bắt đầu có ý tưởng mất 6 tháng làm thí nghiệm, viết báo 2 tuần và submit 1 tháng.

 

Anh đánh giá gì về môi trường nghiên cứu bản thân đang có? Anh cảm thấy đam mê công việc của mình đến mức nào theo thang điểm 100? Điều gì làm anh thấy hài lòng và điều gì anh thấy cần cải thiện?

Môi trường nghiên cứu ở Đức khá là công bằng, tuy nhiên để tiến lên cao nữa thì có sự phân tầng, người Đức rất bảo thủ, vì vậy đối với các nhà khoa học nước ngoài thì rất khó có cơ hội tiến thân, đây là điều mình cảm thấy không thực sự thích thú. Tuy vậy, có rất nhiều điều thích thú trong môi trường nghiên cứu ở Đức, chẳng hạn như: tính ổn định trong khoa học ở Đức là rất cao, sự thật thà trong khoa học của người Đức, sự thông minh, tính nguyên tắc đã làm việc là hết mình.

Làm cái gì cũng cần đam mê, có đang mê mới hưởng thụ được thành quả, các cụ nhà ta cũng đã dạy rằng “Sinh nghề tử nghiệp”, thấm nhuần triết lý đó mà mình cho tới 80 điểm.

Như mình đề cập ở trên, môi trường nghiên cứu ở Đức là khá tốt, hiện tại mình đã có 8 năm kinh nghiệm nghiên cứu về y sinh, cũng đủ lâu để tạo ra sự chắc chắn. Viện nghiên cứu tạo mọi điều kiên từ móc thiết bị, tiền bạc đến nhân lực. Ngoài kinh phí của viện thì các nhóm phải xin thêm tiền từ các quỹ khoa học khác, hiện tại mình cảm thấy vẫn cần cải thiện việc viết hồ sơ để xin thêm kinh phí.

 

Đối với lĩnh vực nghiên cứu như của anh, sự cạnh tranh có nhiều không và nó được thể hiện như thế nào? Chiến thuật tốt nhất của anh là gì?

Nói chung, tất cả các ngành nghề đều có sự cạnh tranh, trong lĩnh vực khoa học thì người ta gọi là cạnh tranh xanh (có nghĩa là lành mạnh). Trong cùng một lab nghiên cứu cũng có tình trạng này, tuỳ thuộc vào sự nổi tiếng của GS mà sự cạnh tranh mạnh hay yếu. Điều mình có thể nói với các bạn, không nên tranh đấu, mình phải biết giữ mình.

 

Với tất cả những kinh nghiệm đã có, anh nghĩ rằng các nghiên cứu của mình sẽ làm thay đổi cuộc sống như thế nào? Kế hoạch trong tương lai cho công việc của anh là gì?

Thực ra mình là một nhà khoa học, chỉ chú tâm làm hết khả năng của mình đóng góp cho y học. Còn có thay đổi cuộc sống được hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố, cũng hy vọng rằng một ngày nào đấy công trình của mình được ứng dụng trong y học phục vụ cộng đồng. Xu hướng thế giới và công việc hiện tại bên mình đang làm sẽ phát triển và có thể đưa vào ứng dụng. Tương lai nằm ở phía trước, mình chỉ biết cố gắng còn đến được tới đâu hay tới đấy.

 

Bây giờ giả sử nhé: Nếu có ngày, công việc nghiên cứu bỗng nhiên trở nên hết sức khó khăn và có phần bế tắc thì anh sẽ làm gì để cải thiện tình hình?

Từ trước tới nay mình chưa gặp khó khăn nào cả nên không biết phải trả lời ra sao. Còn sau này nếu có, thì lúc đấy sẽ tính (J)

 

Công việc thường yêu cầu những kiến thức mới và nâng cao, vậy làm cách nào để có được những kiến thức này nhanh nhất thưa anh?

Mình hay nói với sinh viên, có 2 loại kiến thức: 1: kiến thức ảo (qua google, qua các tạp chí khoa học, siminar…) vì thực chất không phải kiến thức của mình, mình chỉ đi học lại. 2: Kiến thức thật: tức là mình tự tạo kiến thức cho mình thông qua các thí nghiêm mình tiến hành. Vì vậy, phải luôn luôn học hỏi những kiến thức ảo và phấn đấu tự tạo vốn kiến thức thật của mình.

 

Những công việc mà anh đã, đang hay sẽ hợp tác với các đối tác từ Việt Nam?

Như đã đề cập ở trên, hiện tại mình cũng xúc tiến hợp tác với một số cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam. Mình cũng muốn làm một cái gì đấy cho đất nước của mình.

 

Chúng ta sẽ nói về những điều ngoài công việc một chút nhé! Anh thích làm gì khi có thời gian rảnh rỗi? Anh có thói quen hay sở thích nào đặc biệt không?

Thời gian rảnh rỗi dành thời gian cho gia đình, xem phim, đọc sách. Thói quen ai chẳng có, chẵng hạn như mình, mỗi lần làm thí nghiệm là phải khử trùng tay bằng cồn cho sạch (vì hy vọng thí nghiệm sẽ suôn sẽ).

 

Anh thích đi du lịch ở những nơi như thế nào? Đâu là những thành phố ở châu Âu mà anh thích nhất, tại sao?

Du lịch không phải sở thích của mình, tuy nhiên vì công việc cho nên cũng đi gần hết các thành phố lớn. 2013 mình có sang Oxford, Anh và rất thích cuộc sống yên bình ở thành phố có trường đại học nổi tiếng này.

 

Trong ngành nghiên cứu của anh, ai là người đã mang lại cảm hứng nhiều nhất?

Trong cuộc đời khoa học của mình được rất nhiều thầy cô giúp đỡ, không có sự giúp đỡ đó thì mình rất khó có được như ngày hôm nay. Trong đấy phải kể đến giáo sư hiện tại của mình, ông đã 80 tuổi rồi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, làm việc rất chăm chỉ và đi hội thảo như cơm bữa, đấy là tấm gương sống cho mình.

 

Anh thích một cuộc sống như thế nào: năng động và ồn ào hay chậm rãi và yên bình?

Trong công việc mình thích môi trường ồn ào sôi động, tuy nhiên sau công việc thì thư giãn yên bình.

 

Sividuc_Chu Van Trung 2 (3)

 

Cảm ơn anh đã hợp tác và tham gia cuộc phỏng vấn của Hội SVVN tại CHLB Đức!

Chúc anh tiếp tục có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

 

Biên tập viên:

Hà Xuân Giáp (TU Berlin) – BCH Hội SVVN tại CHLB Đức

Email: haxuangiap@gmail.com

 

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook