Những kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao trong nghiên cứu và giảng dạy ở Đức

Bạn đang cảm thấy rất nhiều áp lực trong học tập hoặc nghiên cứu? Đây chính xác là lúc bạn nên tạm dừng công việc của mình lại, gỡ đôi kính (nếu có) xuống và nghĩ đến những phương pháp làm việc thú vị cũng như hiệu quả hơn. Nếu như rốt cuộc bạn vẫn chưa tìm ra cách nào thực sự thích hợp, một vài lời chia sẻ từ những người đi trước dày dạn kinh nghiệm có lẽ thực sự hữu ích. Vậy thì hãy đi cùng chúng tôi đến gặp gỡ một cựu du học sinh Việt Nam tại CHLB Đức với những kết quả nghiên cứu rất đáng nể phục.

Nhanh nào!!! Đừng nói là bạn vẫn chưa nhớ ra lúc nãy để kính ở đâu đấy nhé!

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gương mặt tiêu biểu của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức kỳ này là Tiến sỹ Nguyễn Trung Thành – hiện nay anh đang làm trợ lý giáo sư tại trường Đại Học tổng hợp Hannover.

Anh 2

Thông tin cơ bản:

– Họ tên:  Nguyễn Trung Thành

– Quê quán:  Thanh Hóa – Việt Nam

– Lĩnh vực nghiên cứu: Kinh tế môi trường

– Nơi làm việc ở Việt Nam: Trường ĐH Lâm nghiệp

– Nơi làm việc hiện nay ở Đức: Trường Đại học tổng hợp Hannover

Những kết quả đã đạt được:

– Học bổng toàn phần của DAAD làm thạc sỹ và tiến sỹ tại CHLB Đức

– Tiến sỹ năm 2008, xếp hạng Magna cum laude

– Tiến sỹ Habilitation và Privatdozent (PD) năm 2015

– Đã xuất bản khoảng 15 bài báo trên các tạp chí khoa học

Email: thanh.nguyen@iuw.uni-hannover.de

Phần phỏng vấn:

Thưa anh, hiện nay công việc anh đang làm là gì? 

Công việc của mình có hai mảng:

(1) Giảng dạy: Mỗi kỳ mình phải dạy bốn tiết/tuần. Tại Hannover Kỳ mùa đông mình dạy 2 môn là Energy Economics (Kinh tế năng lượng) và Microeconomic Models (Các mô hình kinh tế vi mô), thêm một seminar về Asian Economies (Các nền kinh tế Châu Á). Kỳ mùa hè mình dạy hai môn là Water Economics (Kinh tế nước) và Advanced Development and Environment Economics (Kinh tế phát triển và môi trường nâng cao). Ngoài ra mình còn hướng dẫn đề tài thạc sỹ và nghiên cứu sinh;

(2) Nghiên cứu: Mình tập trung chủ yếu vào Quản lý tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, nước, và rừng), kinh tế và sinh kế hộ gia đình nông thôn tại các nước đang phát triển. Hiện tại, mình đang tập trung vào một số nước như Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Ghana, và Kenya.

Hẳn là những việc của anh sẽ rất hữu ích đối với ngành nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới! Động lực nào đã thúc đẩy anh chọn lĩnh vực nghiên cứu này?

Trước đây mình học ngành quản lý lâm nghiệp nhiệt đới. Tuy nhiên, ngành học này lại thiên về lý thuyết, công cụ nghiên cứu định tính là chủ yếu. Kết quả nghiên cứu định tính ít thuyết phục nên sau này mình học thêm kinh tế nông nghiệp, và ứng dụng công cụ nghiên cứu học ở ngành này vào quản lý tài nguyên nói chung, và quản lý tài nguyên rừng nói riêng.

Anh có thể chia sẻ điều anh thích nhất và không thích nhất trong công việc của mình?

Mình thích nhất có lẽ là khi kết quả nghiên cứu được xuất bản, mà để làm được việc này, phải có nhóm làm việc thật tốt, mỗi người làm một việc. Do vậy không thích nhất sẽ là gặp một đồng nghiệp hoặc kém, hoặc không hợp tác tốt trong công việc.

Nếu giả sử anh không làm nghiên cứu như hiện tại, anh nghĩ anh sẽ làm công việc gì khác?

Cũng khó nói lắm!! Nếu như không đỗ đại học thì mình đã đi làm công nhân ở đâu đó, nếu không được giữ lại trường làm giáo viên thì mình chắc đã làm viên chức ở một địa phương nào đó,… Theo mình, làm việc gì cũng được, miễn là hợp pháp và có ích cho xã hội, đồng thời đảm bảo cuộc sống của mình. Khi mình làm tốt công việc của mình, sẽ có cơ hội tốt đến với mình.

Quan điểm về thành công của anh là gì?

Quan điểm về thành công khác nhau giữa mọi người. Quan điểm của mình là làm tốt công việc mà mình được giao. Tuy nhiên, nếu ai có quan điểm khác, mình rất tôn trọng.

Giả sử anh gặp một tình huống rất khó khăn, anh đã cố gắng nhưng chưa vượt qua được, anh sẽ làm gì tiếp theo?

Thông thường thì mình sẽ thử vài cách khác, tham khảo vài người khác, trước khi xếp nó hẳn vào một nơi nào đó và quên nó đi.

Thực tế cho thấy số lượng người Việt Nam làm Habilitation (Bằng cấp cần thiết để giảng dạy đại học) tại Đức khá ít so với số lượng nghiên cứu sinh tiến sỹ. Anh có thể đưa ra một vài so sánh giữa Habilitation và PhD được không?

Về mặt nội dung, một đề tài Habil. được xem tương đương ít nhất 3 đề tài PhD. Cụ thể hiện nay làm một nghiên cứu sinh PhD thường bị yêu cầu viết ít nhất 3 bài báo khoa học, thì Habil. yêu cầu 10 bài. Làm Habil. thì ngoài nghiên cứu còn phải giảng dạy, hướng dẫn sinh viên,… . Về mặt ý nghĩa, Habil. là bước chuẩn bị cho chức danh giáo sư. Vì vậy số lượng vị trí để làm Habil. rất ít, nên nó không thông dụng như làm nghiên cứu sinh. Lưu ý là Habil. chỉ có ở một số nước. Ví dụ, ở Úc hay Mỹ thì chỉ cần xong PhD là đủ để nộp vào vị trí giáo sư. Ở Đức, những năm gần đây, ngoài qui trình làm Habil. thì còn thêm một qui trình khác song song là làm Junior Professor. Nói cách khác, theo hệ thống giáo dục của Đức hiện nay có 2 cách để có thể trở thành professor là: Làm xong Habil. hoặc xong Junior Professor. Đây là điều kiện cần. Cả 2 cách đều có thời gian thông thường là 6 năm. Junior Professor thì độc lập hơn trong nghiên cứu so với Habil. (vốn vẫn phụ thuộc vào một giáo sư nào đó), nhưng Junior Professor lại phải tham gia nhiều hoạt động quản trị hơn, nên ít thời gian cho nghiên cứu hơn.

Theo quan điểm của anh, để ứng tuyển cho một vị trí Habil. thì điều gì là quan trọng nhất?

Habil. không phải vị trí để ứng tuyển, nên thông thường các bạn ít thấy quảng cáo vị trí này trên báo. Các bạn chỉ thấy vị trí quảng cáo cho nghiên cứu sinh và postdoc. Một giáo sư nào đó, sau khi nhận một postdoc một thời gian, thấy người này có thể làm Habil. được, ông ấy sẽ khuyên bạn nộp đơn lên khoa và trường, và ông ấy sẽ là người hướng dẫn. Ngoài yếu tố chuyên môn ra, còn phải có kinh phí, vì làm Habil. sẽ mất thêm thời gian. Điều đó có nghĩa là nếu một bạn sau một số năm làm postdoc mà không được làm Habil. ở Đức thì cũng có thể do không có kinh phí. Như vậy quan trọng nhất là 2 điểm: thứ nhất là năng lực làm việc, và thứ hai là kinh phí. Trường hợp của mình, tốt nghiệp tiến sỹ năm 2008, sang 2009 bắt đầu làm postdoc, nhưng đến năm 2012 mới được chấp nhận cho làm habil, và đến 2015 thì xong.

Kế hoặc tương lai cho công việc của anh là gì? Hiện nay có nhiều ý kiến về việc lưu học sinh sau khi học tập ở nước ngoài nên ở hay về, quan điểm của anh về vấn đề này ra sao?

Mình vẫn đang làm trợ lý giáo sư ở trường Hannover (Akademischer Rat), thời gian cho công việc này là 6 năm, còn sau đó có thể về hoặc tiếp tục làm việc ở nơi khác.

Về câu hỏi về hay ở, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh từng người, và họ sẽ tự quyết định giải pháp tốt nhất cho bản thân. Ngoài ra, mình quan niệm, ở đâu mà có đóng góp cho xã hội nhiều (bao gồm cả cho cá nhân và gia đình mình) thì sẽ tốt hơn.

Anh có thể đưa ra nhận định về cơ hội làm việc tại Đức cho chuyên ngành nông, lâm nghiệp không, so với Việt Nam thì khác biệt như thế nào?

Cơ hội làm việc tại Đức cho chuyên ngành nông lâm nghiệp là rất khó khăn. Ngành này đóng góp rất ít vào tổng sản phẩm xã hội. Hiện nay so với Đức, cơ hội cho ngành này ở Việt Nam lớn hơn nhưng chỉ là tạm thời. Sau này khi kinh tế phát triển, thì cơ hội cho ngành này sẽ ít đi giống như bên này vậy. Như vậy, về mặt lâu dài, số lượng công việc cho ngành này sẽ thấp. Ngay trong các trường ĐH ở Đức, cơ hội cho nghiên cứu viên các ngành nông lâm nghiệp cũng rất thấp.

Anh có kế hoạch gì để phối hợp với Việt Nam về những vấn đề trong lĩnh vực nghiên cứu của mình?

Mình đã và đang hợp tác với rất nhiều cá nhân, cơ quan ở Việt Nam làm nghiên cứu về lĩnh vực của mình, bao gồm cả trường ĐH Lâm nghiệp là nơi mình đã công tác, và các cơ quan khác như ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Bộ NN và PTNNT).

Nhiều bạn nghiên cứu sinh thường mất rất nhiều thời gian để tìm hướng nghiên cứu và có những khoảng thời gian rất căng thẳng trong quá trình thực hiện đề tài, anh có lời khuyên nào cho các bạn?

Căng thẳng trong việc làm đề tài là việc bình thường, ai làm nghiên cứu sinh cũng sẽ gặp, nhưng mất thời gian lựa chọn hướng nghiên cứu thì có thể thay đổi được. Qua kinh nghiệm của mình, các bạn nên tăng cường trao đổi (hỏi han) với các seniors trong ngành của mình. Nếu ở ngay viện nghiên cứu của mình thì đến hỏi trực tiếp, nếu không quen thì gửi mails. Các giáo sư thường quá bận để trả lời, nhưng postdocs và junior professors thường sẵn lòng giúp các bạn hơn. Nên tránh việc tự mình đọc tài liệu để tìm câu trả lời. Việc này cũng có thể giúp các bạn tìm hướng nghiên cứu, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, và khi phát hiện nhầm hoặc sai thì cũng mất nhiều thời gian để sửa. Hiện nay, tài liệu rất nhiều, chỉ đọc tài liệu không thì không biết đến bao giờ. Đừng ngại hỏi người khác. Nếu hỏi đúng người, có thể họ chỉ cần 15 phút để trả lời, nhưng nếu không hỏi, các bạn có thể mất vài tuần để đọc tài liệu nhằm tìm câu trả lời.

Công việc nghiên cứu thường yêu cầu người làm phải ở lâu một chỗ và chỉ nhìn thấy kết quả sau một thời gian dài. Chúng ta cũng biết rằng để làm việc tốt cần có sức khỏe và cảm hứng. Anh duy trì những yếu tố này theo cách nào?

Sức khỏe thì trời cho thôi, mình chắc cũng giống mọi người, lúc nào ốm quá thì đi bác sỹ. Còn cách duy trì cảm hứng để làm việc thì chính là duy trì áp lực, không phải cho riêng mình mà cho cả nhóm nghiên cứu của mình. Lập kế hoạch công việc và duy trì áp lực liên tục đến tất cả các thành viên. Nếu thành viên nào đó cảm thấy không còn bị mình gây áp lực nữa, thì hoặc thành viên đó đã tốt đến mức tự tạo ra áp lực cho mình, hoặc đơn giản là sẽ bị bỏ qua. Với bản thân mình cũng vậy.

Ở Đức nếu làm công tác nghiên cứu giảng dạy ở ĐH thì chỉ có giáo sư mới có vị trí lâu dài, tất cả các vị trí khác đều là tạm thời. Do vậy áp lực sẽ lớn hơn so với một số quốc gia khác. Nếu bạn luôn có áp lực, thì áp lực ngày hôm nay sẽ cho kết quả ngày mai, và áp lực ngày mai sẽ cho kết quả ngày sau nữa. Do vậy, để chuẩn bị cho bài báo được xuất bản năm nay, mình đã phải bắt tay từ 2 năm trước, và công việc đang làm bây giờ là chuẩn bị cho bài báo mà hy vọng 1-2 năm nữa sẽ được chấp nhận.

Ngoài công việc hẳn anh cũng có các hoạt động khác. Như thể thao chẳng hạn, các môn mà anh yêu thích nhất là gì?

Mình thích xem bóng đá, thích chơi bóng bàn và cầu lông.

Là một nhà nghiên cứu, anh có hứng thú với các hoạt động xã hội và thiện nguyện không? Hiện nay Hội SVVN tại CHLB Đức đang rất cần sự hỗ trợ từ những người đã có kinh nghiệm. Anh sẵn sàng tham gia và giúp đỡ chứ?

Mình rất sẵn lòng, miễn là không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc. Mình rất vui nếu giúp được gì, sẽ thuận lợi hơn nếu đúng mảng công việc của mình.

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn của Hội SVVN tại CHLB Đức! Chúc anh tiếp tục có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

Cảm ơn các bạn!!!

Biên tập viên:

Hà Xuân Giáp (TU Berlin) – BCH Hội SVVN tại CHLB Đức

Email: haxuangiap@gmail.com

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook