Mẹ tôi có lần nói với tôi: „mỗi khoảnh khắc là một món quà, và mỗi món quà thì khác nhau. Khi con nhắm mắt lại, con sẽ cảm nhận được sự khác nhau trong từng khoảnh khắc. Mùa đông đến, những cơn gió se lạnh lùa vào hiên sau sẽ giúp con biết rằng, mùa đông đến rồi. Khi mùa thu gõ cửa, mùa thu sẽ mang cả tia nắng tinh khiết ban chiều hay tiếng trống trường mỗi sáng đến cho con“. Mùa hè đến rồi, bạn có cảm thấy bứt rứt, khao khát những chặng đường, con người, trải nghiệm mới không? Nếu có, hãy gác mọi chuyện lại, mặc áo khoác vào và dành một ngày cùng tôi ngao du Hannover.
Vào buổi sáng, tôi sẽ hẹn bạn ở Treffpunkt quen thuộc của người dân Hannover: Kröpcke Uhr. Tọa lạc ở trung tâm, nằm đối diện nhà ga chính Hannover, từ đây nếu đi bộ dọc theo 3 đường chính có thể đến hầu hết những địa điểm nổi bật trong thành phố. Nhưng đừng vội, chúng ta hãy vào quán café Kröpcke phía sau Kröpcke Uhr cái đã. Coffee sáng luôn là thói quen của tôi, một phần để thoát khỏi tình trạng mệt mỏi ủ ê khi mới ngủ dậy, một phần khác quan trọng hơn, nó giúp tôi có cảm giác mình đang ở Sài Gòn với những gốc cây và ly cà phê sữa đá. Hơn nữa, khi ta ngồi lại trong một không gian nhỏ hơn sau tấm kính, ta mới có cơ hội cảm nhận được nhịp sống, nhịp thở của những con người đang rảo bước trên đường.
Kröpcke được thiết kế như mô hình ngôi sao, với 5 cánh là 5 con đường chính Rathenaus, Georg (ngả đông nam và tây), Karmarsch và Bahnhof. Những nghệ sĩ du mục thường chọn tâm ngôi sao làm nơi trình diễn. Có lần tôi đã thấy 1 người họa sĩ già cắm cúi vẽ một bức tranh trừu tượng, hay một cô gái mảnh khảnh làm 1 live concert nho nhỏ giữa trung tâm của ngôi sao. Nếu may mắn, biết đâu bạn sẽ một lần gặp một anh chàng làm ảo thuật giữa phố. Từ quán coffee, phóng tầm mắt xa hơn chút nữa nơi hàng ghế gỗ là Treffpunkt lý tưởng của Hippies. Họ ăn vận rất riêng, có người tóc tai dựng ngược, mặc áo khoác đen và trên mặt lấp lánh khuyên như một ca sĩ nhạc rock thực thụ, có người mặc như một người truyền đạo chân chính. Tôi thường tìm thấy ít nhất một điểm mới nơi họ những lần tôi lướt qua, và điều tôi thích nhất khi vô tình gặp những Hippies Hannover chính là họ có nuôi chó, to, vàng và mềm, có đứa trông như cục bông, lâu lâu lại sủa một tiếng góp phần cho khu phố Kröpcke thêm sinh động.
Bây giờ, chúng ta hãy chọn con đường phía nam và rảo bước, dần dà bạn sẽ bắt gặp một nhà thờ theo lối kiến trúc kiểu mẫu và cao nhất Hannover (khoảng 100m, cao gấp đôi nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn và gấp 3 nhà thờ Lớn Hà Nội). Marktkirche được xây lại từ một ngôi nhà có kiến trúc Roman, hoàn thành thi công năm 1238 với tên St. Georgii và được tu sửa sau chiến tranh thế giới thứ 2. Thi thoảng tôi đến nhà thờ vào cuối tuần, chui tọt vào trong một dãy ghế nào đó bên trái, nhắm mắt lại và để cho tâm trí thư giãn, nếu đến đúng lúc ta có thể được nghe nhạc, có một chiếc Grand Organ nằm trên cao lưng chừng nhà thờ, cho đến giờ tôi vẫn tự hỏi mục sư nào là người chơi chiếc đàn này. Trên nóc nhà thờ có 1 con gà và điều thú vị là nó đã được thay đến lần thứ 3. Năm 1624 sau một trận mưa bão cùng gió to, con gà trên nhà thờ bị hư hại nặng. Đến tận năm 1702 một con gà khác mới được thay vào, nhưng con gà này chỉ trụ được một năm và rơi không rõ nguyên nhân. Con gà khác, tôi hay đùa là con gà thế hệ thứ ba, được thay vào năm 1705 và hiên ngang đứng vững, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Tất cả những điều này tôi được nghe kể từ một ông ăn xin tốt bụng bên cạnh nhà thờ. Nếu bạn muốn biết thêm những câu chuyện ly kì xung quanh nhà thờ này, hãy đến bắt chuyện với ông ấy, và đừng quên cho ông ấy một ít xu lẻ nhé J. (To be continue)
Tác giả bài viết: Nguyễn Trần Hải
Ảnh: nguồn sưu tầm, Nguyễn Trần Hải, Hội sinh viên Việt Nam tại Hannover VSH
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com
No responses yet