Viết với tư cách là một PhD (nghiên cứu sinh, sinh viên đang làm tiến sĩ) thuần Việt trong khoa học (để phân biệt với PhD gốc Việt ở nước ngoài, vì cơ bản các anh chị đã được hấp thụ một nền giáo dục / ngôn ngữ / tư duy khác từ nhỏ, và không bị đè bởi vấn đề visa/working permit, hoặc PhD không phải khoa học nhưng bên kinh tế, luật, mỹ thuật và những ngành khác xin mạn phép không bàn).
Tác giả: Dr. Võ Cẩm Quy hiện đang là Tiến Sĩ ngành Bioinformatic tại Đại học Stuttgart. Chị tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Aachen, từng làm Postdoc ở Đại học Concordia. Sáng lập quỹ từ thiện “GiveHimTheLight” quyên góp được 20.000 euro cho trẻ em mồ côi cha mẹ. Phó trưởng khoa sinh đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh (2007-2009).
Thuở còn là nghiên cứu sinh, những đứa bạn đã xong tiến sỹ (PhD) bảo tôi: “bà xong đi rồi biết, đời còn mù mờ hơn 😀“.
Giờ ngẫm lại thấy chí lí quá mức. Vì trước khi có PhD, cái đích duy nhất là xong PhD, là cái ngày được ra bảo vệ với vài bài báo trong tay và các giáo sư gật gù: không phải sửa gì.
Trước đó bạn chôn vùi cuộc sống trong lab từ 8h sáng đến 8h tối (các bạn làm thực nghiệm còn khổ hơn), không có cái gọi là giờ giấc, cuối tuần, và các kì nghỉ. Trong khi bạn bè với tấm bằng cử nhân, thạc sỹ, giờ đã là giám đốc, là CEO, hoặc bèo bèo cũng trưởng phòng, một hai đứa con cắp nách (chẳng biết chúng bạn có hạnh phúc thiệt không, chỉ thấy post hình con cái sung sướng, du lịch xe hơi này nọ, chậc…), bạn vẫn đầu bù tóc rối với từng con số, thí nghiệm, bài báo phải đọc và bài báo phải viết… Nhưng dù gì, bạn nghĩ, ôi ráng tí nữa, tí nữa thôi, xong PhD đời ta lên hương.
Xin thưa, không có hương nào tự nhiên mà lên cả. Một cuộc chiến mới bắt đầu, khốc liệt hơn cả cuộc chiến trước đó. Xin liệt kê vài điều trăn trở:
=====
1. Học xong PhD thì về hay ở?
Về làm con cá lớn trong cái hồ bé tí, hay ở làm con cá bé trong đại dương bao la!? Mọi người hay nói: Stay where your heart is… Xin lỗi chứ, dân PhD như mình, di chuyển quen rồi, đi tới đâu mang theo con tim tới đó nên lời khuyên này chả mấy tác dụng.
Nói chung về hay ở, các bạn cứ đặt lên bàn, Pros & Cons rồi quyết định. Mà nhiều khi quyết định về hay ở cũng tùy vào khả năng của bạn, tôi xin mạn phép phân mục như sau 😀
1.1. Trường hợp chắc chắn ở lại (thường là loại PhD trùm sò)
PhD xuất sắc, và có khả năng lên junior team leader, theo sau bởi các cấp bậc của Prof. trong nấc thang academia hoặc potentially become a manager in an industrial company. Các bạn có paper hàng khủng, GS cũng hàng khủng đỡ đầu và dễ dàng chọn lựa điểm đến tiếp theo.
PS: Thật quá nể các bạn đã có gia đình con cái mà vẫn báo ra tay đều đều, funding đều đều. Để ý thấy nam nhiều hơn nữ, và nếu có vợ thường vợ hi sinh ở nhà lo cho gia đình con cái. Rất hiếm thấy nữ team leader/junior professor (tức là tầm 30+) và vẫn chu toàn con cái gia đình (đang nói ở mức thế giới và những nước phát triển như Mỹ – Anh – Đức – Thụy Sỹ… nhé). Nói khí không phải chứ ở VN nhà kha khá tí đã có thể mướn người dọn dẹp nấu nướng chứ ở đây bạn tự làm từ A – Z hết.
1.2. Trường hợp chắc chắn về
Về là tại vì không kiếm nổi việc ở nước ngoài :D, hoặc có khả năng, nhưng vì lí do cá nhân (gia đình, tình yêu bao la với quê hương, ràng buộc với cơ quan cũ…) nên về.
Có nhiều PhD tốt nghiệp những trường vừa vừa nhỏ nhỏ, hoặc sức lực cũng bèo bèo, hoặc cày cuốc nhiều năm ròng rã thì GS cũng cho ra thì chỉ cố cho xong cái bằng, xong về nước làm Sếp, ở VN thì cứ tiến sỹ là ngon :D.
Có những vị PhD cực kì xuất sắc và được mời chào đủ kiểu nhưng vì lí do cá nhân cũng về nước thì bắt đầu một cuộc chiến không khoan nhượng khác. Đây là những người tôi nể nhất, vì các bạn dũng cảm chọn lựa đi về, ngoài cuộc chiến về chuyên môn còn phải chiến về chức vụ, về lương bổng, về tái hòa nhập, và cả chiến chuyện chính trị. Ở VN, cái gì cũng đổ thừa được cả, vận mệnh đất nước thế này thế kia, các anh là tiến sỹ mà thế lọ thế chai chẳng thay đổi gì đất nước à. Chài ai ở VN, người ta không phân biệt chính trị gia là chính trị gia, nhà khoa học là nhà khoa học. Cứ tiến sỹ là phải chịu trách nhiệm về vận mệnh quốc gia :-))
1.3. Trường hợp đi cũng được, về cũng đành
(loại PhD lưng chừng, như tôi chẳng hạn, chiếm đa số). Loại 1.3 không có nhiều bài Nature / Science để múa với thiên hạ, có khả năng làm postdoc ở vài nơi, nhưng cũng không muốn / không thể lên làm Prof. ở trường bự, chỉ muốn có một việc làm ổn định).
Loại này cũng đương đầu với một cuộc chiến về việc làm ở nước ngoài, vì đơn giản bây giờ bạn đang bơi trong một cái hồ lớn, có vài miếng mồi ngon (công việc hấp dẫn, lương ok) và xung quanh thì đầy rẫy các PhD khác hăm he chiếm lấy. Bạn phải không ngừng hoàn thiện các kiến thức bị hổng trong quá trình đào tạo ở bậc đại học ở VN, rộng nhưng không sâu. Loại này ngoài ra phải cày cuốc học thêm ngoại ngữ, vì đơn giản một PhD người châu Âu, hoặc châu Mỹ, các bạn là bilingual, và biết thêm 1-2 ngoại ngữ khác, còn dân VN như mình, tiếng Việt không được tính ở tầm quốc tế nên chỉ có tiếng Anh, thế là đêm đêm phải cày cuốc các thứ tiếng khác (Đức, Pháp…) nếu muốn một công việc ở công ty.
Nhưng mặt khác, các bạn PhD tầm vừa, như tôi, thường bận rộn với “Đời”… có quá nhiều thứ để vui, du lịch, nhiếp ảnh, trai gái, bạn bè, khiêu vũ… nên quỹ thời gian cũng eo hẹp lắm haha…
Mới có mục về hay ở mà dài quá, mình viết chung chung vậy he, không có ý định chỉ trích khích bác ai, có ý định tán dương vài người (PhD làm leader ở nước ngoài, và PhD xuất xắc chịu về nước cống hiến)… Chỉ túm lại một câu thế này: Về hay ở, một khi bạn đã chọn lựa con đường để đi, mình chúc bạn hạnh phúc. It’s all that matter to me 🙂
Quy Võ Ph.D.
Research Associate at University of Stuttgart
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet