Hoàn thành chương trình Thạc sĩ với tấm bằng giỏi, hiện đang công tác tại một trường đại học của Đức song song với làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, cô gái Trần Thị Mai (sinh năm 1988) có những chia sẻ thú vị về đất nước này cũng như những trải nghiệm học tập và cuộc sống của mình ở Đức.
Trần Thị Mai hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ và công tác tại một trường đại học của Đức. Ảnh: NVCC |
Choáng ngợp vì ai cũng giỏi
Miễn học phí, học xong được ở lại 18 tháng, được phép đi lại không cần visa giữa các nước trong khối Schengen… là một số lý do khiến Mai quyết định chọn Đức là điểm đến du học của mình. Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Kinh tế ở Philipps-Universität Marburg trong 2 năm, hiện Mai đang công tác tại Đại học Marburg song song với làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ.
Cô gái 28 tuổi chia sẻ, trước khi sang Đức, ấn tượng của Mai về đất nước này chỉ là nổi tiếng có bia và xúc xích ngon. “Mình sang Đức vào mùa thu, khi cây lá đổi màu, lại được học tập ở một thành phố cổ kính nên lúc đầu thấy lãng mạn lắm. Nói là mùa thu nhưng nhiệt độ chỉ trên 10 độ C. Ngay cả giữa mùa hè ngắn ngủi cũng có những ngày mát lạnh như mùa đông ở miền Bắc Việt Na. Mùa đông đầu tiên của mình ở nước Đức dài lê thê, tuyết rơi bốn năm bận, 4 giờ chiều trời đã tối. Lúc đó, dù rất thích tuyết nhưng mình nhớ ánh nắng mặt trời kinh khủng”.
Trước khi sang Đức, Mai tốt nghiệp THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), sau đó là ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhưng chưa bao giờ cô được ở trong một môi trường đa văn hóa như ở Philipps-Universität Marburg nên cảm thấy vô cùng hào hứng. Vì ở trong ký túc xá nên Mai được tiếp xúc với rất nhiều sinh viên đến từ các nước mà thậm chí cô còn chưa nghe tới bao giờ.
“Hàng tuần đều có rất nhiều tiệc tùng dành cho sinh viên nước ngoài. Cú sốc đầu tiên của mình là khi một bạn người Nga giải thích cho mình rằng, nếu tiệc ghi bắt đầu lúc 10 giờ tối thì 12 giờ đêm mới nên tới và 5, 6 giờ sáng mới về. Nếu ở Việt Nam có lẽ sẽ bị nói là hư khi đi nhảy nhót, uống rượu cả đêm như vậy nhưng đối với sinh viên phương Tây nói chung thì đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, việc sinh viên hút thuốc lá, shisha hay hút cỏ (dù không hợp pháp ở Đức) cũng được cho là chuyện bình thường trong giới sinh viên, thậm chí còn được coi là “cool”.
Mai cũng tiết lộ, hồi mới sang, trong mắt các bạn, cô bị cho là “uncool” vì khi đi quán rượu với các bạn mà toàn mang theo sẵn đồ uống riêng để tiết kiệm tiền, hoặc 10 giờ đã lục đục đòi về vì sợ hết xe buýt.
Cú “sốc” thứ hai khi mới sang Đức, là Mai vô cùng ngạc nhiên khi rất nhiều bạn nói thành thạo 4, 5 ngoại ngữ trở lên. “Bạn có thể thấy họ đi tiệc tùng cả đêm nhưng thành tích học tập vẫn tốt, ngoại ngữ nói vèo vèo, tích cực chơi thể thao, am hiểu hội họa và âm nhạc. Nhìn chung, phần lớn các bạn được giáo dục toàn diện từ nhỏ nên cực kì tự tin”.
Mai và các bạn học ở Đức. Ảnh: NVCC |
Do chương trình thạc sĩ mà Mai theo học đào tạo bằng tiếng Anh nên tới 80% là sinh viên quốc tế, phần lớn đến từ các nước châu Âu. Ban đầu, cô cũng chỉ nói được tiếng Anh và Mai cho rằng đó cũng là khó khăn lớn khi học tập và sinh sống ở Đức, bởi nhiều thông báo của trường về các sự kiện, tin tức hay thông báo đi tàu xe, cô đều không nắm được. “Mình cũng choáng ngợp nữa vì thấy ai cũng giỏi hết và nhận ra nhiều điểm yếu của bản thân: hay xấu hổ, sợ nói sai nên không dám tham gia thảo luận trong giờ học.
Tuy nhiên, thầy cô giáo ở trường rất nhiệt tình và luôn sẵn lòng hỗ trợ khi cần. “Có một kỉ niệm mình không bao giờ quên là trong kì học thứ hai. Sau một buổi hội thảo ở Berlin, một giáo sư gọi riêng mình và nói rằng, nếu mình là người thông minh nhất trường mà không bao giờ dám nói ra ý kiến của mình thì sẽ không ai biết mình thông minh cả; hơn nữa, mình là một sinh viên, mình hoàn toàn có quyền nói sai. Từ đó, mình hoàn toàn thay đổi trong cách học tập của mình và trở nên tự tin hơn rất nhiều”.
Không chỉ kính trọng và yêu mến các thầy cô ở trường đại học, Mai còn thấy rất ấn tượng với cách người Đức dạy con. “Mình từng nhìn thấy nhiều em bé chỉ tầm 3, 4 tuổi thôi đã đội mũ bảo hiểm theo bố mẹ đạp xe trên đường. Có những ngày mưa, mình thấy họ đưa con mặc áo mưa, đi ủng ra ngoài chơi, để con nhảy thoải mái vào các vũng nước đọng trên đường”.
Người Đức kỷ luật: Gặp bố mẹ cũng phải đặt lịch
Giống như nhiều người nước ngoài khác, Mai cũng cho rằng người Đức sống khá khép kín và có vẻ ngoài lạnh lùng. Hết năm đầu tiên đại học, cô chỉ chơi được với các bạn nước ngoài, mà không có một người bạn bản địa nào. “Thông thường, họ cần rất nhiều thời gian để quen với sự hiện diện của bạn cũng như mở lòng nói chuyện hay rủ đi chơi.”
Người Đức cũng cảnh giác cao độ về thông tin cá nhân. “Họ gần như không bao giờ chia sẻ gì trên mạng xã hội, càng không dễ dàng cho bạn địa chỉ email hay số điện thoại. Ngày đầu ở Đức, mình không biết đến điều này nên thoải mái mang sổ đi hỏi xin số điện thoại, email của các bạn cùng học. Sau khi nhận được liên tiếp ánh nhìn ái ngại của họ, mình mới hiểu ra điều này. Họ cũng rất thẳng tính, không nói vòng vo. Khi tiếp xúc với các giáo sư, mình học được là phải nói thẳng vào vấn đề, hoặc họ sẽ hỏi ngay là mình cần gì” – Mai chia sẻ.
“Người Đức làm việc với trách nhiệm, kỉ luật cao. Họ cũng là người thích lên kế hoạch rất chi tiết. Dù là muốn gặp bố mẹ của bạn đi chăng nữa thì bạn cũng cần đặt lịch hẹn trước cả tuần để hai bên không bị động trong thu xếp công việc riêng. Điểm khác biệt nhất so với môi trường làm việc ở Việt Nam là người Đức rất rõ ràng giữa công việc và đời tư. Bản thân mình phải làm việc rất lâu rồi mới được đồng nghiệp cho số điện thoại di động để tiện liên lạc khi có gì khẩn cấp trong công việc. Ngay cả ngoài giờ thì họ thích thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị nhiều hơn là về đời sống riêng. Nếu muốn làm thân với đồng nghiệp người Đức, cách tốt nhất là đi uống bia với họ sau giờ làm việc” – Mai chia sẻ.Cô cũng thừa nhận việc đúng giờ và tính nguyên tắc là những tính cách rất nổi tiếng của người Đức. “Nếu bạn hẹn ai mà đến muộn hai phút thôi là có thể nhận được thái độ khó chịu và lời phê bình thẳng thắn rồi.Tuy nhiên, mọi thứ cũng chỉ là tương đối, lẽ dĩ nhiên là cũng có những người Đức không như thế”.
Hãy tự kiếm tiền để đi du học
Với những bạn trẻ đang nỗ lực săn học bổng để đi du học, Mai cho rằng, nếu cố gắng mãi mà không có duyên với học bổng thì các bạn nên cân nhắc phương án tự kiếm tiền để đi học, cho mình cơ hội tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến và mở rộng tầm mắt trước thế giới rộng lớn bên ngoài.
Bản thân Mai không nộp hồ sơ xin học bổng, thời gian từ khi quyết định đi du học tới khi đặt chân sang Đức chỉ vỏn vẹn 6 tháng. Một phần vì hầu hết các trường đại học ở Đức miễn học phí nên sau khi cân nhắc, cô thấy mình có thể cố gắng tự chi trả được các khoản sinh hoạt phí. Trong 2 năm học Thạc sĩ, Mai làm thêm cho một cửa hàng sushi và làm trợ lý sinh viên ở khoa Kinh tế. Ngoài ra, cô cũng nhận được học bổng STIBET I của DAAD dành cho luận văn tốt nghiệp, nhận lương thực tập ở một công ty của Đức. Những khoản này cũng giúp Mai phần nào trong việc trang trải sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, có lẽ một phần nhờ từng làm trợ lý trên khoa, một phần nhờ tấm bằng giỏi nên Mai được giữ lại trường làm việc.
Mai và chồng người Đức. Ảnh: NVCC |
Và có lẽ cái duyên của cô gái xứ Thanh với đất nước này còn dài lâu khi hiện tại Mai đã kết hôn với một chàng trai người Đức sau mối tình từ năm thứ 2 đại học. “Khác với những người bạn Đức khác mà mình quen thì bạn này rất thân thiện và cởi mở. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, mình đã rất bất ngờ vì bạn ấy tìm hiểu nhiều về Việt Nam để trò chuyện cùng mình.Từ khi quen nhau thì mình mới có động lực học tiếng Đức và tìm hiểu nhiều về văn hóa của đất nước tưởng chừng như lạnh lùng này”.
- Nguyễn Thảo -Vietnamnet
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com
No responses yet