BnF – Tặng sách Sơn La ngày cuối năm

Trong màn sương sớm lạnh giá của những ngày cuối năm 2013, chúng tôi đã đến được Sơn La, sẵn sàng cho hành trình tới thăm và tặng sách vở cho các em học sinh là con em người dân tộc của 6 trường tiểu học và trung học cơ sơ (THCS) thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Chương trình đã tặng 7450 cuốn vở, 862 cuốn sách giáo khoa cấp 1 và 920 cây bút chì cho các em. Đây là những món quà nhỏ nhưng nhiều tình cảm do chương trình BnF, các cô giáo trường tiểu học Nam Thành Công- Hà Nội, báo Nhi Đồng và rất nhiều cá nhân, tập thể đã dành tặng cho các em.

 

 
tangsach
Các em học sinh đang vui vẻ khoe những cuốn sách vở vừa được nhận

 

Từ thị trấn Hát Lót, trên đoạn đường khoảng 40km đường đá và 12km đường đất để vào thăm và tặng sách các em học sinh của trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Phiêng Pằn, chiếc xe U-oát lúc nào cũng như muốn nhảy tưng tưng trên đường. Mặc dù, tiếng thùng xe gõ ong ong, khiến mọi người thêm mệt, nhưng cả dọc đường chúng tôi vẫn luôn cười đùa, vui vẻ trong niềm hân hoan sắp được gặp mặt và giao lưu với các em nhỏ. Lúc 8 giờ 20 phút, chúng tôi đến được trường Phiêng Pằn. Đây là cơ sở chung của trường tiểu học Phiêng Pằn và PTDTBT Phiêng Pằn. Bước chân ra khỏi xe, hai hàm răng tôi đánh vào nhau cầm cập. Mặc dù đã mặc rất nhiều áo ấm, tôi vẫn không phát âm được rõ ràng như tôi muốn. Trong khi đó, các em học sinh đã ngồi xếp hàng sẵn chờ chúng tôi, nhiều em mặc rất ít áo, thậm chí chân không tất. Tôi bỗng cảm thấy mình thật có lỗi, vì chúng tôi đã không thể đến được sớm hơn, để thời gian chờ đợi của các em được rút ngắn. Đoàn chúng tôi nhanh chóng đề nghị các thầy cô cho bắt đầu chương trình. Những tiễng vỗ tay và nụ cười của các em làm tôi cảm thấy ấm thêm phần nào. Tôi không quên quàng cho mình chiếc khăn phiêu- đã được các em tặng từ lần tôi về trước.

 

tangsach1
Đoạn đường đất ngoằn ngèo, nhiều dốc vào đến trường Phiêng Pằn. Các em học sinh nơi đây phải đi bộ tới trường, có em ở xa phải đi bộ đến 20km mới tới nơi.

 

Lần về thăm lại Phiêng Pằn, chương trình BnF đã dành tặng 1800 cuốn vở ô ly, 360 cây bút chì cho toàn bộ 360 học sinh tiểu học và 500 cuốn vở kẻ ngang cho 100 em học sinh của khối THCS đạt kết quả học tập tốt học kỳ một hoặc những em có điều kiện gia đình đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi còn mang theo 627 cuốn sách giáo khoa khối tiểu học (chủ yếu là sách Toán và Tiếng Việt). Đây là số sách do một nhóm các cô giáo của trường tiểu học Nam Thành Công- Hà Nội tự quyên góp và mua tặng cho thư viện của trường tiểu học Phiêng Pằn, với mong muốn hỗ trợ phần nào cho những em học sinh chưa có đủ sách giáo khoa để học. Các cô giáo miền xuôi rất mong muốn được tận tay mang sách đến cho các bạn nhỏ, tuy nhiên do có nhiều trẻ em đi cùng, nên các cô cùng gia đình đã không thể vào đến tận trường. Thầy cô và các em học sinh rất vui mừng đón nhận những món quà tuy nhỏ, nhưng sâu nặng tình người của các cô giáo trường Nam Thành Công và của chương trình BnF.Quyến luyến chia tay các em trường Phiêng Pằn, chúng tôi lại nhanh chóng lên đường đến đến trường tiểu học Nà Ớt. Đây là trường tiểu học bán trú, với 415 học sinh phân bố ở 10 điểm trường. Chúng tôi chỉ có thể đến được điểm chính, nơi vừa mới được xây dựng ở một vị trí khá thuận lợi. Tuy nhiên, ở đây số phòng học vẫn chưa đủ, vẫn có 1 phòng học lán dựng tạm, và có 3 lớp phải học nhờ bên cơ sở của trường THCS Nà Ớt. Nhà trường phải dành 1 phòng học để làm phòng ngủ cho các em học sinh và 1 phòng dành cho giáo viên. Có đến 4 em học sinh cùng ngủ trên một chiếc giường. Và hàng ngày những em bé nhỏ mới lớp 1 lớp 2 này, đã phải cùng các anh chị tự nấu cơm cho mình.

 

tangsach2
Lớp học tạm ở trường tiểu học Nà Ớt

 

Các em học sinh ở đây rất ngoan, chúng háo hức đón nhận những cuốn vở do chương trình dành tặng. Các bạn khoe nhau những tranh bìa sinh động ngoài cuốn vở, các em còn đổi vở cho nhau để có được những hình mà mình yêu thích. Có em còn ghi tên mình và gói vở cẩn thận trong túi nilon. Do không có điều kiện đến đủ các điểm trường, chúng tôi đã gửi lời nhắn nhủ tới ban giám hiệu nhà trường, mong các thầy cô sẽ mang số vở do chương trình tặng tới tận tay từng em ở các điểm trường. Chương trình cũng đã thay mặt các cô giáo của trường Nam Thành Công dành tặng 235 cuốn sách giáo khoa cho thư viện nhà trường. Đây là một phần số sách thu gom được từ học sinh nhà trường từ hồi tháng 5, 2013.

 

tangsach3
Học sinh tiểu học Nà ớt cẩn thận cất những cuốn vở vừa được tặng vào túi

 

Trong ánh nắng vàng rực rỡ xuyên nghiêng qua hai hàng cây xà cừ thẳng tắp dẫn vào sân trường, các em học sinh trường THCS và tiểu học Na Bó-2 đã xếp hàng vẫy cờ chào đón Đoàn BnF và Đoàn của các cô giáo cùng gia đình của trường tiểu học Nam Thành Công. Nhìn mọi người, thấy ai ai cũng hân hoan vui vẻ, với nụ cười tươi nở trên môi. Sau màn chào đón và giới thiệu lý do của Ban giám hiệu trường Na Bó-2, tất cả chúng tôi cùng các thầy cô giáo của 3 trường đã xuống tận nơi, trao tận tay cho các em những cuốn vở và những cây bút chì. Các em học sinh sung sướng đón nhận món quà, và vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Cũng như ở các trường khác, bạn Nguyễn Huyền Trang- thành viên của BnF- lại tiếp tục khuấy động không khí sôi nổi tại sân trường bằng những trò chơi thú vị và nhiều bất ngờ. Các em học sinh vô cùng thích thú và nhiệt tình tham gia. Điều này, khiến các thầy cô và chúng tôi vô cùng phấn khích và vui vẻ.

 

Điểm dừng chân của chuyến đi tặng sách lần này là ngôi trường bé nhỏ mang tên trường tiểu học Bắc Quang. Chúng tôi đến trường lúc đã xế chiều, không khí đã bắt đầu trở lạnh. Ngồi ngay ngắn chờ chúng tôi là 80 em học sinh của điểm trường trung tâm, cùng rất nhiều các vị phụ huynh và thầy cô giáo trong trường. Được biết, đây là một trường khá gần trung tâm, cơ sở vật chất cũng đã khá khang trang, nhưng các em học sinh ở đây có nhiều hoàn cảnh éo le. Nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em cả bố mẹ đều đi tù phải ở với ông bà, cậu mợ, nhiều em có gia cảnh rất nghèo. Đập vào mắt tôi, là hình ảnh các em nhỏ gầy quá, các em ăn mặc rất “phong phanh”, nhiều em mặc như mùa hè. Chỉ một chiếc quần dài, một cái áo sơ mi dài tay, và chân không tất. Vậy mà, trong ánh mắt của các em lại lấp lánh những niềm vui, các em rất thân thiện và nụ cười luôn thường trực trên môi. Hồ hởi đón nhận những cuốn vở và cây bút, nhiệt tình và hồn nhiên tham gia các trò chơi, và gân cổ lên hát thật to. Các em khiến tôi có cảm giác, với các em ở đây không có mùa Đông, không có giá buốt, chỉ có niềm vui thơ ngây và niềm tin trong sáng. Tôi vẫn nhớ, ngày còn học phổ thông, cô giáo dạy Văn tôi đã trích dẫn một câu và tôi luôn luôn nhớ “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, nơi lạnh nhất là nơi không có tình yêu thương”. Trong tôi, cảm xúc thật lẫn lộn, tôi vui và xúc động trước niềm vui của các em, nhưng cũng lắng buồn vì thấy mình còn làm được cho các em ít quá…

 

Chia tay các em và thầy cô nơi đây, tôi thấy tất cả đều bịn rịn, không gian như yên ắng hơn. Tôi lặng lẽ nhìn các em chạy về phía bố mẹ, và chào tạm biệt bạn bè, thầy cô để ra về. Tôi thầm ước, một ngày nào đó tôi sẽ mang đến cho các em nhiều sách vở và đồ dùng học tập hơn nữa. Tôi cũng mong, mình sẽ chuyển tải thông tin về các em đến với nhiều nhà hảo tâm hơn nữa, để không chỉ chúng tôi mà sẽ nhiều người sẽ đến thăm các em. Đến để không chỉ tặng sách vở, giấy bút, chiếc khăn, tấm áo… mà quan trọng hơn để niềm vui sẽ luôn hiện hữu trong nụ cười và ánh mắt của các em.

 

Tác giả bài viết: Vũ Anh Tiềm
Nguồn tin: Dự án “Sách và những người bạn”

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories