Trong ký ức tuổi thơ tôi, ông già Noel là một ông lão phúc hậu với ánh mắt nhìn của ông nội tôi và cái kính đeo trễ tới mũi giống như bác thợ lò rèn đầu chợ.
Ông già Noel trong cái đầu non nớt của tôi chỉ có màu đen trắng vì xưa kia nhà tôi chưa có TV màu. Sờ nắn cái cây thông nhựa mà bác tôi gửi từ Liên Xô về, tôi thấy xao xuyến lắm vì có cây thông tức là có ông già Noel dù chẳng biết đến bao giờ trẻ con tận nơi xa như tôi mới có cơ hội được có quà. Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua với những kỷ niệm trong sáng và chẳng có gì đáng phàn nàn ngoại trừ việc mỗi năm vào mùa mưa bão, mấy cái cây yêu thích của tôi gẫy hết cả cành làm tôi không có chỗ leo lên hóng gió. Tôi tức ông trời lắm vì mang mưa bão đến làm bố mẹ tôi vất vả lợp lại mái nhà, mấy cái ruộng lúa ngập nước khiến trẻ con chúng tôi chẳng có cơ hội đi kiếm cỏ mật nữa. Lớn lên, tôi mới biết rằng những ký ức về bão lũ của lũ trẻ con lớn lên ở Hà Nội như tôi chẳng là gì so với những đứa trẻ ở nơi mà hàng năm bão lũ lại tìm đến, cuốn sạch đi không chỉ cái cây yêu thích của chúng mà còn tất cả những gì gia đình chúng có.
Tôi chưa một lần đặt chân tới những nơi như thế, liệu tôi có cảm nhận được nỗi khổ và những khó khăn mà trẻ con ở nơi đó phải trải qua hay không? Có chứ bạn, tôi cảm nhận được qua những người bạn sinh viên của tôi, những tình nguyện viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng những lưu học sinh tại Hội SVVN tại CHLB Đức, những người vượt hàng vạn cây số mang theo tấm lòng của hàng trăm con người đến với vùng đất Quãng Ngãi, đến với tiểu học Hành Tín Tây.
Các bạn tôi kể rằng, Hành Tín Tây là vùng rốn lũ, nơi đầu nguồn của sông Vệ, nơi mà đợt lũ vừa qua đã cuốn trôi theo tất cả từ đồ dùng dạy học của giáo viên đến bàn ghế của học sinh. Những gì còn lại chỉ khối lượng bùn đất không lồ và một ngôi trường tan hoang và những khuôn mặt nặng trĩu những nỗi lo của thầy cô.
Mỗi khi chúng tôi mải chơi, lười học hay bị điểm kém, bố mẹ tôi thường hay bảo “các con phải nhìn gương các bạn miền Trung mà học tập”. Lúc ấy tôi và em tôi chẳng hiểu gì cả, các bạn ý là ai, tại sao lại phải noi gương? Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu, người miền Trung càng trong khó khăn càng mạnh mẽ. Khát khao vươn lên của những bạn trẻ nơi đây khó có nơi nào sánh kịp. Trong chuyến đi tới Hành Tín Tây, các thầy cô nơi đây đã tự hào chia sẻ với các bạn tôi rằng “một số em nhà xa, hàng ngày vẫn đi bộ 6-7 km để đến trường. Nhiều em nhỏ dân tộc Hre lớp 1, 2 nhiều khi đi đến trường thì đã đến giờ ra chơi. Nhiều em lũ cuốn không còn sách vở những vẫn cố gắng tới trường. Còn những cuốn sách ngập lâu trong nước được các em lau sạch, mang ra phơi hanh cho nhanh khô…”. Có như vậy mới thấy trẻ em vùng lũ khát khao được đi học tới mức nào.
Hiểu được những khó khăn và khát khao cháy bỏng ấy, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam xa tổ quốc đã bảo nhau bán hàng gây quỹ cho miền Trung ruột thịt. Với sự giúp đỡ của kiều bào Việt và các tình nguyện viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, 350 chiếc áo ấm, 2 thùng sách gồm hơn 250 đầu sách truyện và sách tham khảo cùng bánh kẹo đã được trao tặng cho 350 học sinh của trường tiểu học Hành Tín Tây.
Trẻ em ngày nay so với tôi của ngày xưa vẫn chỉ là một. Mơ ước được gặp ông già Noel dù chỉ một lần có lẽ sẽ không bao giờ tắt. Những người bạn của tôi đã sưởi ấm khát khao ấy của các em bằng việc hoá thân thành những ông già Noel với cái túi đỏ đựng đầy quà đi quanh sân trường, trao cho những bàn tay nhỏ xíu những món quà dù nhỏ nhưng ấm áp tình người. Ông già Noel của các em dù bụng không phệ, dù bộ râu trắng có thể tuột bất cứ lúc nào được dán vội lên khuôn mặt trẻ măng chẳng có tý nếp nhăn chắc chắn sẽ là một ký ức đẹp đọng lại trong tuổi thơ vất vả của các em.
Tôi cảm ơn các bạn đã cho tôi thấy ấm áp hơn trong mùa đông này. Và tôi xin cảm ơn các thầy cô và những khuôn mặt thánh thiện, ngây thơ của các em trường tiểu học Hành Tín Tây đã dạy cho tôi các các bạn của tôi một bài học về sự vươn lên trong khó khăn và cảm nhận về hạnh phúc tuy giản dị mà thiêng liêng tình người.
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email:
si*********@gm***.com
No responses yet