Xin chào An Dang,
Trước tiên Sividuc cảm ơn bạn rất nhiều vì đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn của chúng mình.
Bạn có thể giới thiệu qua về bản thân với các bạn đọc SiviTalk được không? Bạn hiện đang theo học hay làm việc ở đâu?
Mình hiện đang học Master ngành công nghệ thông tin với chuyên ngành truyền thông-kinh tế. Song song với việc viết luận án Thạc sĩ thì mình cũng đang công tác tại Tập đoàn Daimler trong thời gian này. Ngoài ra, mình cũng tham gia các hoạt động xã hội và hỗ trợ cho Câu lạc bộ Social Developers.
Nhờ đâu mà các bạn biết đến #WirvsVirus-Hackathon? Các bạn đã lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện dự án này như thế nào?
Team mình bao gồm 8 người: Philipp Paraguya (Mentor), An Dang, Robin Rojowiec, Sabrina Jodexnis, Maike Havemann, Elina Eickstädt, Neil Weaver, Daniel Zeitler.
Mình biết đến Hackathon qua Philipp Paraguya – cố vấn và cũng là người thầy của mình.
Đây cũng là dịp để các thành viên trong nhóm được cùng nhau xây dựng và trao đổi ý tưởng vì chúng mình sinh sống rải rác khắp nơi trên nước Đức, gần như không mấy khi có cơ hội làm việc chung.
Ngoài ra, chúng mình hiểu rõ sự nguy hiểm của tin không chính thống (fake news) và muốn ngăn chặn điều đó vì fake news là nguồn gốc dẫn đến các hành động không đúng mực cũng như sự kích động, cuồng chiến của phần lớn cộng đồng mạng.
Bạn có thể giới thiệu và giải thích rõ hơn về dự án cho các bạn đọc SiviTalk được không?
Vì bây giờ mọi nơi đều ngập tràn fake news nên khẩu hiệu của team mình là: Bài trừ tin đồn nhảm, ngăn chặn sự kích động đám đông. Dự án này là giải pháp bọn mình đưa ra để mỗi cá nhân đều có thể tự kiểm tra thông tin mình đọc có chính xác không và qua đó đóng góp vào công cuộc từng bước loại bỏ fake news ra khỏi xã hội.
Công trình của bọn mình vận hành như sau:
Bước 1: người dùng copy link bài đọc vào WebApp coronafaktencheck.de. Trí tuệ nhân tạo sử dụng trong WebApp này sẽ đối chiếu bài viết với nguồn dữ kiện chính thống và ngay lập tức cho ra kết quả thông tin nào nhảm và thông tin nào chính xác.
Bước 2: vị trí hiện tại của người dùng sẽ được thể hiện trên bản đồ vệ tinh của Đức. Qua đó, người dùng sẽ dễ dàng nhận thấy fake news đang được lan truyền ở những khu vực nào trên toàn lãnh thổ.
Một chú ý nhỏ: bởi đây mới chỉ là phiên bản thử nghiệm của dự án #WirvsVirus Hackathon nên chúng mình chưa thể đảm bảo sự tin cậy 100% trong khâu phân loại và lọc tin tức. Chúng mình đang rất nỗ lực để mang đến phiên bản hoàn chỉnh, chính xác và chất lượng hơn.
Hiện nay dự án mới chỉ đang hoạt động trong phạm vi của Tweeter.
Như Sividuc tìm hiểu, từ lúc lên ý tưởng đến khi bắt tay vào thực hiện, các bạn chỉ cần chưa đến 2 ngày. Không biết các bạn đã gặp những trở ngại và khó khăn nào trong quá trình triển khai dự án?
Sự giới hạn và thiếu phong phú trong hệ thống dữ liệu chuẩn là vấn đề lớn nhất đối với bọn mình. Đến nay, do phần lớn bọn mình chỉ có thể dựa vào nguồn dữ kiện từ viện Robert-Koch nên vẫn còn nhiều bất cập trong việc đối chiếu thông tin.
Thêm vào đó, sự quá tải của hệ thống mạng do lượng sử dụng internet tăng đột biến đòi hỏi chúng mình phải lập trình thêm nhiều phương án phụ để giải quyết những vấn đề xảy ra phát sinh trong thời kì này.
Nhưng mặt khác, những khó khăn này giúp chúng mình gắn kết hơn, biết thêm nhiều điều về đồng đội và học thêm nhiều thứ chuyên ngành từ nhau.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện fake news như thế nào? Bạn đánh giá ra sao về tầm ảnh hưởng của kĩ thuật và công nghệ cao trong đại dịch COVID-19?
Như đã giải thích qua ở trên, hoạt động chính của dự án này là nhận diện và đối chiếu tin sai sự thật với tin chính thống. Một lượng fake news nhất định đã được đưa vào mô hình để giúp hoạt động này diễn ra trôi chảy hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc trí tuệ nhân tạo sử dụng trong công trình này đã được đào tạo kĩ lưỡng trong việc nhận biết sự liên quan trong các đoạn văn bản, nói ngắn gọn là hiểu được tường tận câu chữ và sau đó so sánh với nguồn dữ liệu sẵn có để đưa ra nhận định liệu đoạn văn bản có chứa tin fake hay không. Trí tuệ nhân tạo này được sáng tạo dựa trên mô hình BERT và đích đến trong tương lai là có thể nhận biết chắc chắn thông tin nào trong văn bản là sai và thậm chí khẳng định hay bổ sung thêm thông tin đúng/chính xác.
Nếu thành công thì đây sẽ là sản phẩm tiên phong, chưa từng có tiền lệ từ trước.
Các bước đi tiếp theo của bạn sau dự án này là gì? Bạn sẽ phát triển Website của mình như thế nào?
Trong tương lai, mình mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động của Website ra ngoài Tweeter, tức kết nối với nhiều mạng xã hội khác. Thêm vào đó, chúng mình muốn phát triển thêm để việc fake news bị lan tỏa qua retweets sẽ được nhận biết rõ hơn. Những tính năng khác có thể sẽ là cảnh báo người dùng trước fake news tiềm ẩn và huấn luyện trí tuệ nhân tạo sâu hơn trong việc nhận biết tin giả.
Và tất nhiên, mục tiêu lớn nhất là mang dự án này đi thật xa, không chỉ giới hạn ở thời điểm đại dịch hiện nay mà còn có thể ứng dụng được trong đời sống bình thường để đối phó với fake news nói chung.
Đến nay thì dự án vẫn đang giới hạn trong lãnh thổ nước Đức. Liệu trong tương lai WebApp có thể mở rộng phạm vi ra toàn Châu Âu, thậm chí là Châu Á và trong đó cả Việt Nam?
Chắc chắn rồi vì fake news xuất hiện mọi nơi trên thế giới, là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ riêng với nước Đức.
Bạn nghĩ gì về tác động của dự án đối với việc truy cập thông tin và nhận thức của người dùng?
Với dự án này, chúng mình hi vọng có thể giúp cộng đồng trở nên nhạy bén hơn trong việc nhận biết fake news và qua đó tiếp nhận thông tin chất lượng và có chọn lọc hơn.
Bạn có lời khuyên gì dành cho các sinh viên đang theo học ngành IT để họ có thêm động lực và tự tin hơn trong việc phát triển dự án cá nhân, thậm chí đưa những dự án này tới các cuộc chơi lớn trên thế giới?
Hãy tìm cho mình những người bạn có cùng đam mê, chí hướng và mục đích. Một khi có ý tưởng thì đừng chần chừ hay lo nghĩ quá lâu mà hãy lập tức bắt tay vào thực hiện. Nếu yêu thích việc này thì chắc chắn các bạn sẽ tìm được rất nhiều niềm vui trong quá trình thực hiện nó. Thêm vào đó, luôn giữ vững quyết tâm và tinh thần ham học hỏi. Khi gặp khó khăn, hãy thoải mái nhờ sự trợ giúp từ đồng đội hoặc các chuyên gia.
Một lần nữa, Sividuc cảm ơn bạn rất nhiều vì một buổi trò chuyện vô cùng thú vị và bổ ích. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe và đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Media Team SiviDuc
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com
No responses yet