Nhật ký từ thiện: Câu chuyện số 2 – Trẻ con nghèo và những chiếc xe đạp nghĩa tình

Người ta cứ bảo, phải có Duyên mới tìm được đến nhau. Tôi được may mắn được đời ban cho cái Duyên bè bạn. Cái Duyên ấy đưa tôi trở về quê hương, mang theo mình những đồng tiền nặng nghĩa nặng tình của bạn bè. Những đồng tiền ấy thấm mồ hôi của bạn tôi hàng ngày chạy bàn trong quán, có những đồng tiền còn dính dầu ăn của anh làm bếp và có những đồng tiền nặng còn vương sương sớm của bác hàng hoa. Chữ Duyên đã giúp tôi biến những đồng tiền chân chính đầy tình thương ấy thành những món quà nhỏ với chúng ta nhưng thật lớn với những đứa trẻ nghèo.

 (Chương trình từ thiện Thiện Từ Trong Tâm – Let’s Pay it Forward của hội SVVN tại CHLB Đức và Cơm Có Thịt Đức – Com Co Thit Deutschland e.V.).  Tác giả bài viết: Ngô Phương Thủy

 

Ngày 29 tháng 3 năm 2014

Tôi có duyên gặp được người anh cả của thanh niên thủ đô Hà Nội. Anh đón tiếp tôi niềm nở chân tình, không màu mè câu nệ như những gì tôi thường tưởng tượng về những vị thủ trưởng cơ quan. Qua anh, tôi mới biết rằng tuổi trẻ thủ đô vẫn hừng hực nhiệt huyết với cộng đồng và với xã hội lắm. Họ thông minh, hài hước, vui vẻ và có lòng trắc ẩn với những mảnh đời kém may mắn. Họ là thế hệ cuối 8x, đầu 9x sống trong thời đại mà họ được phép chọn tin gì họ muốn biết, muốn nghe và tin gì họ chẳng cần mảy may quan tâm. Những trái tim trẻ mà tôi gặp họ chọn việc tìm hiểu về những nơi nghèo khổ, nơi cần xã hội chia sẻ tình thương và vật chất là đích đến cho những hoạt động hàng tháng của họ.
Họ là sinh viên tình nguyện, là những bác sỹ, y tá rất trẻ. Tôi vẫn còn thấy nét tinh nghịch vẫn còn nguyên vẹn trên những khuôn mặt ấy. Cùng với những bạn thanh niên trẻ của Thành Đoàn Hà Nội, chúng tôi tìm đến với trường Tiểu học An Phú, Mỹ Đức và Tiểu học Trần Phú, Chương Mỹ. Dù đã sát nhập và trở thành một phần của Hà Nội đã vài năm nay, 2 xã này còn rất nghèo. Đa số người dân là đồng bào dân tộc những người vẫn sống cuộc sống của đất nước mấy chục năm về trước.
Nghe tin có đoàn bác sỹ tình nguyện đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí, bà con đã rủ nhau tụ tập từ sớm. Nhìn họ chen chúc, xô đẩy nhau tôi thấy thương hơn là thấy giận. Mấy khi họ có cơ hội được chăm sóc như vậy đâu, có người cả đời chả biết đến bác sỹ là gì, hỏi sao không náo nức có cơ hội được hỏi bác sỹ về cái mắt kém của mình, hay cái chân lúc nào cũng đau nhức mỗi khi trở trời. Rất nhiều trong số “bệnh nhân” không biết chữ. Chúng tôi sau khi khản cả cổ để giải thích cách đọc vòng tròn khi kiểm tra thị lực cho họ thì chợt bật cười bất ngờ khi họ thản nhiên trả lời “nào đâu biết chữ đâu mà bác sỹ giải thích”.
Trẻ con thì đến 100% chẳng có bệnh gì về mắt. Mắt chúng nó đen như hạt nhãn và sáng như sao. Làm gì có iPad hay TV màn hình phẳng mà xem hoạt hình cả ngày đâu mà mắt kém được. Thế nhưng bệnh về răng lợi thì chao ôi là nhiều, có mấy đứa biết đánh răng đâu mà chả sâu răng.
Anh chủ tịch hội thanh niên thủ đô đã giúp tôi liên lạc với ban giám hiệu của 2 trường tiểu học để chọn ra 5 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và luôn có gắng trong học tập để nhận quà. Biết rõ là số lượng chỉ có 10 em cho cả 2 trường, nhưng đến tận nơi tôi mới ước gì mình có đủ khả năng tặng nhiều hơn cho lũ trẻ. Dù chúng nó nghiêm chỉnh trong đồng phục áo trắng, quần xanh, cổ quàng khăn đỏ đội viên thì cũng chẳng khó gì để nhận ra đứa nào nghèo. Mà đa phần là nghèo vì nói là áo trắng chứ thực ra nó là màu trắng nhờ nhờ, mà ta thường gọi là màu “cháu lòng”, quần thì giống như cái thời tôi đi học 20 năm trước, gấu quần sun lên như cái lò xo. Khăn quàng đỏ thì đã sắp thành khăn quàng tím vì mực loang loang lổ và đã có vài lỗ thủng. Mà đau khổ hơn là nói đến cái đôi dép. Ôi chao, đôi dép lê mất mõm, chỗ nào bị đứt đã có ngay 1 đoạn dây túm lại với nhau. Cả cái tuổi thơ “dữ dội” của tôi từ đâu đó chợt ùa về.
Quà tôi mang về cho chúng nó là 10 cái xe đạp i-nốc, made in Vietnam. Suy nghĩ đắn đo mãi tôi đã chọn cái xe “cào cào” này mặc dù biết rằng mấy đứa trẻ cấp I còi hơn tuổi thật kia chân chưa chắc đã với tới bàn đạp. Nhưng tôi nghĩ về gia đình chúng, về anh chị em của chúng. Có lẽ cái xe đạp sẽ không chỉ thuộc về 1 đứa, mà nó sẽ là tài sản của cả gia đình. Biết đâu cái xe ấy vào ngày mùa sẽ là phương tiện chở lúa, chở khoai. Và biết đâu cái xe ấy là phương tiện kiếm sống chung cho cả 1 gia đình nghèo?
Xe đạp được mang ra góc trường, lũ trẻ con ngơ ngác nhìn, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chúng xúm xít lại, xầm xì, bàn tán. Cô hiệu trường gọi tên “em Bạch Thị Hoài, Lê Đào Đạt, Nguyễn Thị Tuyền… ra đây nào”. Lũ trẻ con đẩy 5 đứa được gọi tên tiến ra phía trước. Thương làm sao khi bắt gặp ánh mắt ngượng ngịu, mặt đỏ lên vì xấu hổ của 5 đứa trẻ nghèo bị bất đắc dĩ làm trung tâm chú ý của cả trường. Nhìn vào danh sách tên các em, bên cạnh có tên cha, tên mẹ và hoàn cảnh, một sự cảm thông sâu sắc trước những gì mấy đứa trẻ đang phải trải qua ở giây phút này. Chúng choáng ngợp bởi sự quan tâm và sự chú ý của tất cả mọi người. Với chúng, có lẽ đây sẽ là ký ức khó quên của tuổi thơ chúng.
Thằng bé tên Đạt, mặt đỏ ran, hóa ra nó sốt nhưng nó vẫn đến trường vì hôm nay nó trong danh sách nhận quà. Nó ngoan lắm, sau khi nhận xe đạp, nó khoanh tay lễ phép và hứa “thưa cô, con sẽ cố gắng học giỏi”. Nhìn 5 đứa trẻ nhảy lên xe, chân với với cái bàn đạp mà lòng tôi thấy vui vô hạn. Thế là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà chữ Duyên đã gửi gắm. Những đồng tiền ấm áp của bạn bè tôi đã trở thành những chiếc xe đạp tình nghĩa. Chợt một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: biết đâu đấy, vâng, biết đâu đấy, có một ngày, chiếc xe ấy sẽ đưa chúng nó vào đại học và không bao giờ trong cuộc đời thằng bé Đạt, tên nó sẽ được gọi lên  “Lê Đào Đạt, họ tên Cha: Lê Văn Muôn, họ tên mẹ: Đào Thị  Thu, Thuộc diện: Con nhà Nghèo” …

 

tuthien1

Trao xe đạp

tuthien2

Con bé lớp 4 đấy, bé như cái kẹo

tuthien3

Đi thử xe

tuthien4

Những lũ trẻ nghèo nghẹo ngọ, khúm núm, trung tâm chú ý bất đắc dĩ

tuthien5

Những lũ trẻ nghèo nghẹo ngọ, khúm núm, trung tâm chú ý bất đắc dĩ

tuthien6

Xe đạp nghĩa tình

tuthien7

Bác sỹ tình nguyện

tuthien8

Bác sỹ trẻ

tuthien9

Bé như hạt mít

Chân thành cảm ơn Thành Đoàn Hà Nội đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này.

Xem thêm

Xem thêm

Nhật ký từ thiện: Câu chuyện số 1 – Mồ côi

Nhật ký từ thiện: Câu chuyện số 2 – Trẻ con nghèo và những chiếc xe đạp nghĩa tình

Tác giả bài viết: Ngô Phương Thủy
Nguồn tin: sividuc.org

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: si*********@gm***.com

Spread the love

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Hướng về quê hương
Follow us on Facebook