Tác phẩm dự thi ‘SẮC MÀU CUỘC SỐNG 2016 – Humans of Sividuc’ – MS 07
– Cứ đi đi để thấy đời thật đẹp –
Cô bé 4 tuổi mồ côi cha và mẹ thì bị nhiễm AIDS ở giai đoạn cuối. Cô cùng mẹ sống trong một xóm nhỏ nghèo xơ nghèo xác ở một đất nước xa xôi chậm phát triển. Căn nhà (nếu như nó được gọi là nhà) rộng cả thảy chỉ có 6m2. Mỗi lần em muốn đi vệ sinh thì phải nhấc cái giường ngủ lên để có lối đi. Em và mẹ sống được đều duy trì bằng lòng hảo tâm của những người nghèo khổ khác.
Một ngày có một người đàn ông cao lớn từ một nước phương tây xa xôi cùng đồng nghiệp của ông tới xóm nghèo cứu trợ.
Họ ở lại đó trong một vài tuần lễ để cải hiện môi trường sống của người dân. Người đàn ông kia là một nhiếp ảnh gia giàu lòng hảo tâm và mang nặng nỗi trở trăn về những mảnh đời bất hạnh trong chiến tranh và trong cả thời bình. Ông đã đi qua rất nhiều đất nước và làng mạc, đem hết sức mình để giúp đỡ và sẻ chia. Ông có một ngoại hình cao lớn, râu ria xồm xoàm và giọng nói rất vang. Các bạn nhỏ khác rất thích tới làm quen và chơi với ông, nằn nì ông cho sờ vào chiếc máy kỳ lạ có thể chụp ảnh mà ông hay mang theo bên người. Cô bé mồ côi kia không giống các bạn. Hàng ngày em chỉ dám đứng từ xa lén lút nhìn ông chơi với bè bạn của mình mà không dám tới gần, mặc cho mọi người động viên nhưng em vẫn rụt rè trốn sau một góc tường hay cây cột nào đó…
Tới một ngày khi đoàn người sắp rời đi để tới một bản làng xa xôi khác. Họ tụ tập lại để chia tay người dân và những đứa trẻ nơi mà họ từng gắn bó suốt thời gian qua. Cô bé mồ côi đột nhiên từ đâu chạy ra, đứng trước mặt nhiếp ảnh gia kia và ngước ánh mắt khao khát và chờ đợi lên nhìn người đàn ông ngoại quốc hỏi ông một câu: “Bác có thể làm cha của cháu được không?”——- Phiên dịch viên đi cùng cảm thấy rất khó xử và từ chối phiên dịch hộ cho tới khi người đàn ông ngoại quốc hỏi tới lần thứ 3 thì anh ấy mới dám dịch lại… Từ đó bắt đầu mối liên hệ giữa hai con người nói hai ngôn ngữ bất đồng, đến từ hai đất nước rất khác nhau, hoàn cảnh sống cũng khác nhau hoàn toàn… Họ trở thành CHA- CON…
Những con người ấy rất thật- họ ở ngay đây thôi, rất gần với tôi mà tôi không biết. Họ hàng ngày vẫn sống làm công việc của họ, thi thoảng người cha nuôi sẽ bay tới đất nước xa xôi kia để thăm cô bé và những đứa trẻ khác giống như cô… Thi thoảng họ sẽ gọi điện thoại như cuộc điện thoại mà mình may mắn được nghe sáng nay, câu mà cô bé nói nhiều nhất, lặp đi lặp lại bằng giọng tiếng Anh chưa sõi là : “Papa, I miss you so much, I miss you so much…”.
Nhà nhiếp ảnh gia kia đang có dự định làm thủ tục để đón em bé mồ côi kia sang Đức- đất nước của ông- và họ sẽ sống ở Hamburg- rất gần nơi tôi sống.
Trong lúc nhà nhiếp ảnh gia kể câu chuyện của ông, cả người kể và người nghe là tôi đã khóc và cười không biết bao nhiêu lần vì sự đáng yêu đến đau lòng của cô bé kia. Sau buổi hôm đó đi về, cảm xúc hạnh phúc và thấy mình thật may mắn cứ tràn trề trong tim tôi như muốn bung ra. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội đi xa đến thế, để gặp được những con người như thế…
=>>>>>>>> Trích “CỨ ĐI ĐI ĐỂ THẤY ĐỜI THẬT ĐẸP” (Na – một ngày cuối tháng 3 năm 2015)
********* Câu chuyện có thật kể về nhiếp ảnh gia Jochen Voigt- một nhiếp ảnh gia đã có rất nhiều triển lãm ảnh về Việt Nam trong chiến tranh và thời bình. Trong vòng 40 năm ông đã tới Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á rất nhiều lần và thực hiện các triển lãm và cứu trợ cho dân nghèo. Mùa hè năm 2015 ông đã kết hợp với Hội sinh viên Hamburg thực hiện triển lãm ảnh- giao lưu văn hóa mang tên Erinnerungen für die Zukunft tại Universität Hamburg.
Ảnh chụp từ triển lãm ảnh về Việt Nam của nhiếp ảnh gia Jochen Voigt tại Universität Hamburg
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh – Hamburg
Xem thêm thông tin về cuộc thi tại:
Các tác phẩm dự thikhác:
MS 01: Tôi thấy tình người vẫn ở đó
MS 03: Xe đạp – “Người bạn thân thiết”
MS 04: 7 điều tôi học được từ người Đức
MS 06: Khoai lang, khoai tây hay… khoai sọ???
© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản
Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com
One response