Nước Đức và những con sóng lặng

Tác phẩm dự thi ‘SẮC MÀU CUỘC SỐNG 2016 – Humans of Sividuc’ – MS 09

—-Nước Đức và những con sóng lặng—-

 

Ngày xửa ngày xưa, tại PSK Leipzig, CHLB Đức có một cô bé người Việt duy nhất học 10 tháng khóa kỹ thuật. Cô tốt nghiệp với tấm bằng 1,7 (tương đương với khoảng 8,5 Việt Nam). Rồi cô bé đăng ký đi học đại học tiếp tại HAW Hamburg khoa sản xuất và chế tạo máy với số tiền trong tài khoản còn chưa đầy một nửa so với khi mới sang.

Là một đứa con gái, cô bé đã từng sống 2 năm liền mà không mua cho mình bất cứ cái quần, hay cái áo mới nào, không son phấn, không cắt tóc. Không phải cô bé không thích làm đẹp cho bản thân, không phải vì cô bé ki bo, kẹt xỉ. Cô bé chỉ nghĩ một cách đơn giản thế này:

Những thứ son phấn kia, chỉ tô cái vẻ bề ngoài.

Những cái quần áo kia đẹp đấy, nhưng mỗi thứ cô bé mua sẽ là dùng mồ hôi và xương máu của cha mẹ cô bé để đánh đổi. Cô bé đã nhìn thấy cha mẹ kiếm ăn khó khăn như thế nào. Và cô bé hiểu rằng cái vè bề ngoài chỉ giúp cô bé đi qua một số cánh cửa. Bây giờ, đó là điều xa xỉ.

Thế đấy, thế là hình ảnh của cô bé 2 năm đầu sinh viên như thế này này: đầu tóc bù xù, quần áo bạc phếch và đôi giày rách rưới.

Cô bé cũng hiểu cái hình ảnh của cô bé lúc đó lắm. Nhưng mà cô bé bỏ ngoài tai những lời xì xào của thiên hạ. Cô bé học, làm việc, và cô bé cống hiến…. Như dã tràng xe cát đêm vậy… thời gian đầu cô bé đi làm công nhân. Rửa bát, lau dọn, chuẩn bị đồ ăn, ngay cả việc khuân vác cô bé cũng làm… Bạn có biết không, có ngày cô bé khuân được cả 2 tấn wurst (xúc xích).

Cố gắng của cô bé cũng được trời thương, rồi cô bé xin được việc đi dạy sinh viên mới vào trường. Tất nhiên là khi đi dạy thì cô bé phải mặc áo sơ mi và quần bò rách rồi.

Khủng hoảng kinh tế năm 2008 diễn ra, cô bé mất cái việc rửa bát, chuẩn bị đồ ăn cho bệnh viên. Lương đi dạy chẳng đủ để trả tiền nhà. Cô bé thiếu từng đồng tiền bảo hiểm, rồi tiền ăn, cô bé phải vay bạn từng tháng một. Hằng ngày, sau giờ học, cô bé ăn mặc thật đẹp rồi đi lang thang…..

Cô bé vào các cửa hàn bán đồ ăn, xin làm phục vụ, rồi cô bé đi rải đơn xin việc. Cuối cùng thì cũng có một nhà hàng Ý nhận cô vào làm bồi bàn, cô bé vui lắm. Với công việc mới này, cô bé nhẩm tính cũng đủ tiền để trả nợ. Cô bé mặc sơ mi, quần âu, đi làm với tâm trạng đầy phấn phấn khởi.

Công việc của cô là rót nước và rót rượu. Nghe thì đơn giản lắm, nhưng cô bé phải học từng tên loại rượu (có cả trăm loại), phải học loại rượu nào thì rót vào cốc nào, rót đến đâu. Tay cô bé rót mà run run. Cái nắp chai thì cũng chẳng dễ dàng để mở. Nào cô bé đâu có quen với việc mở nắp rượu bao giờ đâu. Nói thật là cô bé chưa từng thử một hớp rượu nữa là. Buổi tối hôm đó, thời gian trôi sao chậm chạp thế. Cánh tay cô bé đã mỏi nhừ, đôi chân rã rời, còn đôi mắt thì mờ mờ, ảo ảo sau ngày dài học hành và làm việc.

Ông chủ quán gọi cô bé xuống phòng làm việc của ông để nói chuyện, tay ông đưa ra với lấy tay nó. Cô bé khé giật mình rồi rụt tay lại.

Ông nói: “Tôi có nhà ngay trên quán này, em là sinh viên, nếu em biết sống thì em có thể ở đó không mất tiền, hàng ngày chạy xuống đây lau dọn khoảng 1 tới 2 tiếng rồi đi học. Tôi sẽ cố gắng giúp em học hành… rồi ông lại với tay ra.

Cô bé rụt lại rồi chạy lên quán. Cô không nói gì, nhưng chân tay cô bắt đầu run run, mồ hôi cô bắt đầu toát ra.

Cuối buổi, ông chỉ nói cô ăn gì để ông bảo nhà bếp làm. Cô nói cô ăn Salat. Trong lúc cô ăn, ông hỏi cô có uống gì không? Cô nói, cho cô xin cốc nước lọc. Ông cứ ngồi nhìn cô ăn xong. Rồi ông hỏi: “Tối nay em có kế hoạch gì chưa? Đi uống nước với tôi nhé!”

Cô bảo cô phải về nhà, học bài, cô xin lỗi. Ông đưa tiền cho cô: 30 Euro sau 6 tiếng làm việc. Cô cầm tiền, tay run run.

Ông bảo:”cô không làm được việc ở đây, nên tiền chỉ có vậy thôi.”

Cô nói lại: “ông nói lúc đầu là 7 euro 1 giờ cơ mà”

Ông nói: “tại cô làm việc kém quá, nên tôi trả thế thôi!”

Cô bắt đầu nóng mặt:” Ông dám nuốt lời? Có các chú ở đây làm chứng, ông đã nói gì với tôi? Nếu ông không đưa thêm 5 Euro thì đừng trách khách hàng ở đây bỏ về hết”. Cô nhận thêm 5 Euro và đầu ngẩng cao, bước ra khỏi quán.

Đi được khoảng 5 m, cô chạy bán sống, bán chết. Cô sợ lắm: “bố ơi, sao bố không ở đây để bảo vệ con lúc này. Con là con gái rượu của bố, mà sao con lại phải chịu như thế này? Cuộc sống này khắc nghiệt quá, chỉ đơn giản là con không muốn sống dựa dẫm vào bố mẹ nữa thôi”. Cô nghĩ như thế đấy, cô muốn òa vào lòng bố mẹ. Bố mẹ mà biết được cô như thế này chắc buồn lắm, nhưng mà cô tin một điều, cô chưa làm gì sai cả, và bố me có quyền tự hào về cô.

Cô đã định buông, đã định gọi điện về nhà xin bố mẹ tiền. Cô định bỏ cuộc. Rồi sáng hôm đấy, cô nhận được thư của trường: cô nhận được học bổng giành cho sinh viên quốc tế xuất sắc. Cuộc đời cô bước sang trang mới.

Hè năm đó, cô về thăm gia đình với số tiền học bổng chỉ đủ để mua tiền vé máy bay và đôi giày tặng mẹ. Các bạn cô, rồi anh chị, họ hàng nhìn cô: chẳng có gì thay đổi cả. Cô cũng không kể nhiều về cuộc sống du học. Có gì tự hào đâu mà kể.

Cô quay lại Đức, quay lại với công việc đi day. Rồi cô xin được việc làm thêm ở công ty lớn. Hàng ngày đi học từ 7h sáng đến 3 giờ chiều, cô lại đi dạy hay đi làm đến 8 giờ tối. 9h tối cô về đến nhà trong trạng thái không còn nghĩ được gì nữa. Thế còn bài vở trên trường? Cô không học ôn thi à? Vâng thưa các bạn, cuối tuần và các dịp nghỉ lễ là thời gian cô mài đũng quần trên thư viện.

Cứ như thế, thời sinh viên ở Đức đã dạy cho cô bé biết bao nhiêu điều. Cô bé phải học cách tiết kiệm từng xu một, nếu bạn không hiểu thì sẽ cho là cô ki bo. Cô tôn trọng và thấu hiểu cũng như đồng cảm với những người công dân, với những anh bồi bàn, hay với các bạn du học sinh khác, những người có suy nghĩ dám sống, và có thể sống bằng đôi bàn tay của mình.

Giờ đây cô đã tốt nghiệp kỹ sư, đang làm việc ở một công ty lớn của Châu Âu. Cuộc sống bên người chồng yêu thương cùng mức thu nhập ổn định khiến cô cảm thấy hạnh phúc và không ước gì hơn cho bản thân nữa. Nguyện vọng duy nhất của cô bây giờ là giúp cho các bạn du học sinh thế hệ sau mình bớt khó khăn. Quan niệm của cô là: Chỉ cần mình muốn, mình cố gắng hết sức thì mình sẽ làm được.

humans_of_sividuc_091

Nguyễn Thị Vân Anh

Quê quán: Hà Nội – Việt Nam

Ngành học: Quản lý sản xuất (Cơ khí 80%, Quản lý và kinh tế 20%), HAW Hamburg 2007-2011

Nơi làm việc ở Đức: Airbus Operations GmbH

 

 

Xem thêm thông tin về cuộc thi tại:

1.Thư mời – Thông cáo báo chí

2. Thể lệ

3. Hướng dẫn đăng và vote bài

Các tác phm d thikhác:

MS 01: Tôi thấy tình người vẫn ở đó

MS 02: Rộng dài chữ “thương”

MS 03: Xe đạp – “Người bạn thân thiết”

MS 04: 7 điều tôi học được từ người Đức

MS 05: Mùa đông có nắng

MS 06: Khoai lang, khoai tây hay… khoai sọ???

MS 07: Cứ đi đi để thấy đời thật đẹp

MS 08: Nước Đức đã rèn luyện tôi trở thành 1 chiến binh dũng cảm

© sividuc.org - Mọi bài viết đều thuộc bản quyền của sividuc.org Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức. Chỉ được phát hành lại thông tin từ website khi có sự đồng ý chính thức bằng văn bản

Liên hệ: Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: http://sividuc.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/sividuc
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Email: sividuc.org@gmail.com

Spread the love
  •  
  •  
  •  
  •  

bình luận

No responses yet

Leave a Reply

Specify Facebook App ID and Secret in the Super Socializer > Social Login section in the admin panel for Facebook Login to work

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Latest Comments

Categories
Follow us on Facebook